Dân Việt

Phú Thọ: Bưởi Đoan Hùng được bảo vệ, phát triển thương hiệu

Hoan Nguyễn 26/10/2022 06:00 GMT+7
Trong những năm qua, huyện Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ) đã thực hiện nhiều giải pháp để ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng của bưởi Đoan Hùng, từ đó bảo vệ và phát triển thương hiệu "bưởi đặc sản Đoan Hùng".

"Thủ phủ" bưởi Đoan Hùng

Nếu như trước kia, vùng đất đồi, đồi gò Đoan Hùng là những ruộng sắn, ngô, khoai… thì nay được thay thế bằng những vườn bưởi trĩu cành, vàng óng cả vùng đồi. Bưởi Đoan Hùng trở thành loại cây đặc sản có giá trị lớn.

Năm 2006, bưởi Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý công nhận là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ. Đến nay, bưởi Đoan Hùng đã 3 lần được vinh danh là "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam".

Hình thành hàng trăm ha diện tích bưởi bưởi đặc sản Đoan Hùng - Ảnh 1.

Sản lượng và doanh thu từ bưởi Đoan Hùng tăng cao theo từng năm, được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Hoan Nguyễn

Xác định rõ giá trị của bưởi đặc sản trong tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Đoan Hùng nói riêng, trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2019, cây bưởi Đoan Hùng đã được đầu tư tập trung bài bản, tạo ra một giá trị sản phẩm hàng hóa có thương hiệu quốc gia, vươn xuất ngoại ra thế giới.

Chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng đã được chọn là một trong những chương trình nông nghiệp trọng điểm của huyện Đoan Hùng giai đoạn 2016-2019 đến năm 2022.

Tính đến nay, huyện Đoan Hùng đã có 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (1 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao). Trong đó, bưởi Đoan Hùng là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao (năm 2021). Đây là "đòn bẩy" quan trọng giúp sản phẩm bưởi Đoan Hùng quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.

Toàn huyện Đoan Hùng hiện có gần 2.700,6ha trồng bưởi (tăng hơn 1.027,6ha so với năm 2016), trong đó có hơn 1.420ha bưởi đặc sản. Bưởi Đoan Hùng tập trung nhiều tại các xã Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc.

Hình thành hàng trăm ha diện tích bưởi bưởi đặc sản Đoan Hùng - Ảnh 2.

Bưởi Đoan Hùng hiện được tiêu thụ, mở rộng bán hàng bằng thương mại điện tử. Ảnh: Hoan Nguyễn

Sản lượng bưởi quả có sự tăng trưởng rõ rệt từ 11.000 tấn (năm 2016) lên đến 26.565 tấn (năm 2021). Năm 2022 sản lượng bưởi quả ước đạt khoảng 29.000 tấn, tăng 18.000 tấn, giá trị sản phẩm ước đạt 350 tỷ đồng. Bình quân mỗi hecta bưởi cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa và gấp 30 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,69 triệu đồng/năm từ cây bưởi Đoan Hùng. Giá trị sản phẩm mang lại từ cây bưởi đặc sản tăng khoảng 5,02%/năm, đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp của huyện.

Phát triển chuỗi liên kết bưởi Đoan Hùng

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Đoan Hùng sẽ nâng tổng diện tích cây bưởi đạt 3.000ha; sản lượng trên 30.000 tấn, đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu "bưởi đặc sản Đoan Hùng".

Để đạt được mục tiêu này, huyện Đoan Hùng đã rà soát quỹ đất, tận dụng một số diện tích đất cao hạn, diện tích chân ven gò đồi để trồng mới 840ha bưởi đặc sản; xây dựng kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp cho bà con nông dân với giá thành hợp lý.

Huyện Đoan Hùng cũng đã bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư các chương trình, dự án chăm sóc phát triển cây bưởi theo hướng hữu cơ bền vững đạt tiêu chuẩn VietGAP với tổng kinh phí trên 14,2 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, toàn huyện đã có 105,65ha bưởi được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 1.036,3ha đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP); có 269ha được cấp mã số vùng trồng...

Hình thành hàng trăm ha diện tích bưởi bưởi đặc sản Đoan Hùng - Ảnh 3.

Năm 2022, sản lượng bưởi ước đạt khoảng 29.000 tấn, giá trị sản phẩm ước đạt 350 tỷ đồng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đồng thời, tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa phương xác định vùng trồng bưởi trọng điểm. Phát huy vai trò của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi và các HTX sản xuất kinh doanh bưởi, đặc biệt trong việc liên kết, trao đổi thông tin chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ kinh phí để đầu tư thâm canh và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Đến năm 2022, huyện Đoan Hùng có 14 HTX tham gia vào quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ cây bưởi. Các HTX đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện đã ban hành các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem nhãn điện tử kết hợp với tem nhãn thông thường để tạo dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh có uy tín.

Nhiều HTX tích cực quảng bá giới thiệu bán sản phẩm bưởi Đoan Hùng trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử.

Thời gian tới, để cây bưởi phát triển thành ngành hàng chủ lực, huyện Đoan Hùng tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp tăng chất lượng, giá trị cây bưởi trồng. Trước hết, tăng cường công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, hữu cơ, VietGAP.

Tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo hướng hàng hóa, hiện đại và sản xuất theo chuỗi liên kết từ trồng - bảo quản - chế biến - tiêu thụ. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô thích hợp.