Dân Việt

Nông dân Nghệ An thích thú với phương pháp canh tác lúa bền vững, năng suất cao, chi phí giảm

Thắng Tình 26/10/2022 10:14 GMT+7
Canh tác lúa thân thiện với môi trường vừa giảm chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… lại tăng năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm khiến nông dân Nghệ An rất phấn khởi, quyết tâm nhân rộng mô hình.

Phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Áp dụng Phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả và năng suất cao, góp phần giúp giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ đất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Sản xuất lúa sạch vừa giảm chi phí lại tăng năng suất, nông dân Nghệ An phấn khởi nhân rộng mô hình - Ảnh 1.

Những mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An triển khai tại địa phương. Ảnh: H.N.D

Với sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái - gọi tắt là Quỹ BRACE (Hồng Kông), Hội Nông dân tỉnh Nghệ An triển khai dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường". 

Dự án được triển khai tại 4 xã Thanh Khai, Thanh Tiên (huyện Thanh Chương) và các xã Xuân Lam, Long Xá (huyện Hưng Nguyên) trong thời gian từ 2021 đến năm 2023.

Mục tiêu của Dự án là nâng cao kiến thức, kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa. Trong đó tập trung vào 3 kỹ thuật chính như: Giảm phân bón hóa học, tưới ướt khô xen kẽ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Đồng thời nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường và đưa ra thị trường tiêu thụ. Từ đó góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững nhằm giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản xuất lúa sạch vừa giảm chi phí lại tăng năng suất, nông dân Nghệ An phấn khởi nhân rộng mô hình - Ảnh 2.

Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức các buổi tập huấn để tuyên truyền về phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ảnh: H.N.D

Để triển khai thực hiện hiệu quả dự án, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo hội Nông dân huyện Thanh Chương và Hưng Nguyên thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường". Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về hiệu quả của biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Đồng thời, ban quản lý dự án lúa Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức các buổi tập huấn về các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho các nông dân nòng cốt tham gia dự án, đây sẽ là những tuyên truyền viên nòng cốt cho dự án. 

Bên cạnh đó, tổ chức hội nghị truyền thông về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho 20 hộ nông dân nòng cốt tham gia dự án và 10 hộ nông dân khác trong vùng triển khai dự án, qua đó để đánh giá kết quả thực hiện mô hình trình diễn trong 2 vụ lúa của năm 2022, làm cơ sở để tuyên truyền hiệu quả của dự án và nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.

Dự án bắt đầu từ tháng 7 năm 2021, qua 1 năm triển khai với 2 vụ sản xuất, dự án đã đem lại những kết quả tích cực, đến nay đã chỉ đạo xây dựng được 81 mô hình trình diễn với diện tích 10ha, tuyên truyền nhân rộng được 200 mô hình với diện tích 20 ha sản xuất theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Sản xuất lúa sạch vừa giảm chi phí lại tăng năng suất, nông dân Nghệ An phấn khởi nhân rộng mô hình - Ảnh 3.

Canh tác lúa thân thiện với môi trường vừa giảm chi phí ban đầu, còn tăng năng suất, giá trị sản phẩm khiến người nông dân rất phấn khởi. Ảnh: H.N.D

Qua theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu cho thấy, sản xuất theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường cây lúa khỏe mạnh, sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh tốt, to khỏe, đều và ít sâu bệnh, giảm 1/3 lượng giống, giảm 1/3 lượng phân bón, giảm chi phí bơm nước, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Đặc biệt, năng suất đạt 330 – 350 kg / 1 sào (cao hơn sản xuất truyền thống là 40 - 50 kg/sào), hiệu quả kinh tế tăng 20 - 25%; sản phẩm an toàn, giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Anh Trần Văn Sơn (trú tại xóm Thanh Liêu, xã Thanh Tiên) chia sẻ: "Sau khi được Ban quản lý dự án lúa Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức tập huấn, phổ biến các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường như cấy mạ thưa, giảm bón phân đạm, tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng chế phẩm để xử lý gốc rạ sau thu hoạch, gia đình thấy dễ áp dụng. 

Sau 2 vụ sản xuất lúa đã đem lại hiệu quả rõ rệt, đó là giảm được lượng giống, giảm lượng phân bón, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà năng suất vẫn cao, sản phẩm sạch, an toàn".

Ông Dương Lê Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết: Toàn xã có 160ha diện tích sản xuất lúa, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường thì 1 vụ sản xuất sẽ tiết kiệm được 10kg lúa giống/1ha, 100kg phân đạm/ha tương đương 3.300đồng/ha, nếu tính cả xã thì sẽ tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, chưa kể đến việc năng suất cao hơn so với sản xuất truyền thống, sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. 

Với những lợi ích trên, trong thời gian tới cấp ủy đảng, chính quyết xã Thanh Tiên sẽ quyết tâm chỉ đạo, tuyên truyền nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn toàn xã.

Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Nghệ An bước đầu đã thành công, giúp nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân, chuyển đổi dần từ canh tác truyền thống sang canh tác cải tiến, canh tác lúa thân thiện với môi trường. 

Mô hình canh tác lúa bền vững phù hợp với địa phương và hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An. Trong thời gian tới, các cấp hội nông dân tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng biện pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.