Tại Sa Pa (Lào Cai), hiện giá cá hồi mua buôn tại ao dao động từ 330.000 - 370.000 đồng/kg, giá cá tầm gần 200.000 đồng/kg... Theo những người chăn nuôi cá lâu năm, đây là mức giá cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Hiệu quả nuôi trồng cao là động lực để doanh nghiệp, nông dân ở Lào Cai chú trọng đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm đạt chất lượng và năng suất cao.
Ngày 9/10 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức bàn giao cá hồi giống và thức ăn chăn nuôi, chế phẩm vi sinh cho người dân tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi cá hồi trong bể theo hướng an toàn sinh học, tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Có 3.000 con cá giống và hơn 5.000kg thức ăn chăn nuôi cùng chế phẩm vi sinh đã được bàn giao cho 12 hộ dân. Đón nhận sự hỗ trợ này, các hộ dân nuôi cá hồi ở xã Ngũ Chỉ Sơn rất vui mừng vì có điều kiện phát triển nghề nuôi cá hồi theo hướng bền vững, hiệu quả.
Ông Cháo Duần Tá - Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp của thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, cũng là 1 trong 12 nông dân được thụ hưởng từ dự án. Ông Tá cho biết, nhiều năm nay nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn đã phát triển nghề nuôi cá hồi. Việc nuôi cá hồi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Gia đình ông Tá những năm qua cũng có 2-3 bể nuôi cá hồi. Năm 2021 vừa qua, gia đình ông thu được 430 triệu đồng từ bán cá hồi thương phẩm. Trừ chi phí, gia đình thu lãi 300 triệu đồng chỉ trong vòng 8 tháng.
Tuy nhiên, theo ông Tá, nuôi cá như gia đình ông chỉ là quy mô nhỏ, nhiều hộ ở xã Ngũ Chỉ Sơn còn nuôi với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần. Ông Tá nói: "Tôi và các hộ dân được nhận hỗ trợ cá giống và thức ăn từ dự án đều rất vui. Chúng tôi hy vọng dự án được mở rộng, hỗ trợ nhiều hơn cá giống và thức ăn cho nhiều hộ nông dân khác trong xã, giúp việc nuôi cá đạt chất lượng và năng suất cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân".
Ông Tá cho biết, khó khăn lớn nhất của các hộ chăn nuôi cá chính là thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi. Cá hồi thường mắc nhiều bệnh, trong quá trình chăn nuôi, bà con tự nhận biết, tự mua thuốc điều trị. "Phấn khởi nhất là giờ đây, khi tham gia dự án, tôi và các hộ được phía dự án tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi cá, sử dụng thức ăn chăn nuôi và chế phẩm vi sinh sao cho đạt hiệu quả cao. Những nội dung được tập huấn rất bổ ích. Chúng tôi cũng hy vọng dự án kéo dài hơn và tổ chức thêm các lớp tập huấn kỹ thuật hỗ trợ bà con nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học" - ông Tá bày tỏ.
Ông Giàng A Tình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa cho biết, hiện nay thị xã có 3 khu vực nuôi cá hồi quy mô lớn, được quy hoạch tập trung tại các xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Van, Liên Minh. Ngoài ra cũng có một số hộ khác ở các khu vực lân cận có nuôi cá hồi, nhưng quy mô nhỏ. Đây chính là những vùng có khí hậu, nguồn nước thuận lợi cho nuôi các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá tầm.
Ông Tình cũng cho hay, so với việc trồng trọt hay chăn nuôi các loài khác thì giá trị kinh tế từ việc nuôi cá hồi, cá tầm mang lại cao hơn rất nhiều lần. Riêng giá cá hồi hiện tăng gần gấp đôi so với cách đây 3-4 năm. 1kg cá hồi bán cho người tiêu dùng có giá từ 400.000 - 450.000 đồng; cá tầm giá 200.000 - 250.000 đồng/kg.
"Hiện nay toàn bộ khu vực có lợi thế nuôi cá hồi hay cá tầm đều đã được người dân, doanh nghiệp tận dụng, nên không còn tiềm năng để mở rộng quy mô nuôi. Tuy nhiên, xác định đây là kênh làm giàu, phát triển kinh tế gia đình và địa phương nên Hội Nông dân cũng tăng cường hỗ trợ bà con nhằm nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị kinh tế" - ông Tình nói.
Bà Vũ Thị Hạnh - Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết, thấu hiểu được tình hình nuôi cá hồi ở xã Ngũ Chỉ Sơn và mong muốn, nhu cầu của người dân nuôi cá, từ sự hỗ trợ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi cá hồi trong bể theo hướng an toàn sinh học". Dự án hỗ trợ 12 hộ nuôi, mỗi hỗ được hỗ trợ 250 con cá giống và hơn 400kg thức ăn chăn nuôi cùng chế phẩm vi sinh vật. Dự án được triển khai trong năm 2022 và sẽ kết thúc vào tháng 12/2022, tuy nhiên cán bộ kỹ thuật dự án sẽ còn theo dõi mô hình và hỗ trợ bà con chăn nuôi cho tới khi cá được thu hoạch, xuất bán.
Cũng theo bà Hạnh, ngoài hỗ trợ cá giống, thức ăn, các hộ tham gia dự án còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá và hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đỗ Thành Luân - Trưởng trại giống cá thủy sản cấp 1 (Trung tâm Giống nông nghiệp - Sở NNPTNT Lào Cai), giảng viên, kỹ thuật viên của dự án đã hướng dẫn cho các hộ dân tham gia mô hình về kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho cá hồi. "Ngoài tập huấn kỹ thuật trực tiếp, chúng tôi còn lập nhóm Zalo để kết nối bà con với nhau, từ đó giúp bà con trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi và tiêu thụ cá, cũng như có thể tư vấn hỗ trợ bà con kịp thời nếu phát hiện dịch bệnh trong quá trình nuôi cá" - ông Luân cho hay.