Mặc cơn mưa phùn của tháng 10 Tây Nguyên lê thê suốt sáng, hàng chục công nhân vẫn miệt mài đóng bịch phôi tại trang trại nấm dưới mái điện năng lượng mặt trời của Công ty cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (Thành Đồng Group, thuộc thôn 6, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Công việc của người công nhân trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn khi công ty cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chủ trang trại nấm là anh Đoàn Xuân Trường- một doanh nhân thành đạt về lĩnh vực xây dựng, song lại có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp xanh. Năm 2020, anh Trường triển khai mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp điện mặt trời mái nhà. Anh Trường nghĩ ngay đến sản phẩm nấm sạch - loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đang được thị trường ưa chuộng.
Xác định trồng nấm theo hướng quy mô và đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, anh Trường chú trọng đến hệ thống nhà xưởng rộng 6.000m2. Toàn bộ quy trình sản xuất được thiết kế theo một chiều, hướng thống nhất từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới thành phẩm đầu ra được tách biệt, đảm bảo môi trường sạch cho nấm sinh sôi, không bị nhiễm bệnh.
Dưới mái năng lượng, anh Trường trồng đủ các sản phẩm nấm mèo, nấm sò, bào ngư và linh chi. Mỗi loại nấm đều có nhà xưởng riêng và thông số nhiệt độ nhất định để phát triển. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên cây nấm ở trang trại anh Trường sinh trưởng tốt.
Anh Trường cho biết, nhiệt độ dưới mái năng lượng mặt trời rất mát, ổn định cho cây nấm phát triển. Đặc biệt, diện tích dưới mái năng lượng khá lớn, thuận lợi cho phát triển mô hình nuôi trồng theo hướng quy mô công nghiệp, tránh lối sản xuất truyền thống nhỏ lẻ.
Nhìn lại 3 năm tâm huyết dồn lực phát triển mô hình trồng nấm dưới mái năng lượng mặt trời, anh Trường chia sẻ mô hình đã cho lợi ích kép. Chủ trang trại vừa có nguồn thu từ điện năng, vừa có nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng. Riêng sản phẩm nấm, mỗi năm, trang trại cho thu hoạch được 50 tấn nấm ăn và nấm 3-5 tấn nấm dược liệu, doanh thu từ 3 đến 5 tỷ đồng.
Đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng nấm công nghệ cao kết hợp sản xuất điện mặt trời, chị Nguyễn Thị Lương (thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, Cư Jút, Đắk Nông), chủ Công ty TNHH khoa học và công nghệ TOTA đã thu được thành quả bước đầu. Mỗi năm trang trại nấm của công ty cho ra thị trường hàng chục tấn nấm thành phẩm các loại (nấm mèo, nấm bào ngư, nấm linh chi…). Doanh thu từ mô hình trồng nấm kết hợp điện mặt trời của công ty khoảng 3 tỷ đồng.
Chị Lương chia sẻ thêm, lợi thế trồng nấm dưới mái năng lượng là tận dụng được mái che làm trang trại, nhiệt độ khá ổn định cho cây nấm sinh sôi; chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất. Mô hình sản xuất nấm của công ty chị Lương cũng được ứng dụng khoa học, áp dụng máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất, hiệu quả lao động. Công ty của chị cũng chú trọng quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng từ nguyên liệu đầu vào, chăm sóc, thu hái để đạt năng suất, chất lượng cao.
Tham quan nhiều mô hình trồng nấm dưới mái điện mặt trời ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, mô hình kết hợp trên rất tiềm năng.
Sản xuất nấm dưới tấm pin năng lượng mặt trời khác biệt hẳn với mô hình sản xuất nấm truyền thống. Với mô hình sản xuất nấm dưới tấm pin năng lượng, độ cao phù hợp của nhà xưởng từ 2,4-3,2m. Nhà xưởng phải tuân theo quy trình khép kín, đảm bảo môi trường sinh thái sạch sẽ để hạn chế nấm bệnh. Quy trình trồng nấm phải đạt chuẩn ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào đến chăm sóc, thu hái sao cho hiệu quả, năng suất cao.
"Tham quan mô hình sản xuất nấm dưới tấm pin năng lượng, trong đó có trang trại của anh Đoàn Xuân Trường (Thành Đồng Group), tôi thấy, nấm ra rất đồng đều. Sự đồng đều thể hiện ở 2 yếu tố, thứ nhất liên quan đến các nguồn dinh dưỡng bổ sung có công thức đã được chuẩn hóa; quá trình phối trộn nguyên liệu rất đồng đều khi sử dụng cơ giới hóa. Việc này không chỉ giảm thiểu công lao động phổ thông mà còn tạo sự đồng đều khi phối trộn nguyên liệu. Quy trình sản xuất nấm cũng được khép kín, môi trường thông thoáng sạch sẽ", Tiến sĩ Nghiễn cho hay.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn chia sẻ cách thu hái, bảo quản nấm.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nghiễn lưu ý, quy trình trồng nấm phải khép kín, đi theo 1 chiều từ tập kết, xử lý nguyên liệu, bổ sung dinh dưỡng đóng bịch, hấp bịch, vô trùng, chuyển sang khu vực cấy giống. Môi trường cấy giống cũng phải sạch khô để hạn chế nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, việc thu hái, sấy nấm cũng phải rất quan trọng. Hái nấm đúng độ tuổi, sấy nấm ở nhiệt độ phù hợp (như nấm linh chi từ 45-55oC) sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất.
Như vậy, việc kết hợp phát triển năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên không chỉ giúp giảm chi phí, tăng doanh thu mà còn giúp xây dựng quy trình sản xuất sạch, tạo lập chuỗi cung ứng bền vững. Có thể nói, mô hình được triển khai đang góp phần giải quyết bài toán về việc sử dụng tài nguyên đất giữa sản xuất nông nghiệp và phát triển năng lượng sạch.