1. Thành phần dinh dưỡng của vỏ chanh
Mặc dù nước và cùi của chanh được sử dụng rộng rãi, nhưng vỏ chanh thực sự có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn. Trong 6 gam vỏ chanh có:
Calo: 3 Carbs: 1 gam Chất xơ: 1 gam Protein: 0 gam Chất béo: 0 gam Vitamin C: 9% DV (giá trị dinh dưỡng hằng ngày).
Vỏ chanh chứa nhiều vitamin C, pectin, canxi, kali, chất xơ, axit alpha hydroxy và flavonoid như limonene. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vỏ chanh có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học có một số lợi ích cho sức khỏe.
2. Lợi ích của vỏ chanh đối với sức khỏeTheo ThS.BSCKII Hà Hải Nam (Khoa Ngoại bụng 1- Bệnh viện K), trong vỏ chanh có đến 22 hợp chất có tác dụng chống ung thư như chất salvestron và limonene có đặc tính chống ôxy hóa mạnh, chống viêm...
Vỏ chanh rất giàu vitamin C. Trong khi đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ trái cây và rau quả giàu vitamin C có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch. Ngoài ra, chất xơ và hóa chất thực vật trong vỏ chanh như hesperidin và diosmin có thể giúp giảm cholesterol trong máu.
Vỏ chanh là một nguồn cung cấp chất chống ôxy hóa tuyệt vời bao gồm vitamin C và limonene, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do và tổn thương tế bào. Trong các nghiên cứu, tiêu thụ thường xuyên các chất chống ôxy hóa như limonene có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 và bệnh tim mạch. Ngoài ra, limonene hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của một loại enzyme chống lại stress ôxy hóa, có liên quan đến tổn thương mô và tăng tốc độ lão hóa.
Theo Đông y, tác dụng hiệu quả rõ nhất của vỏ chanh là giảm cholesterone máu. Nếu uống nước vỏ chanh đun sôi có thể ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp.
Chanh có tính kháng khuẩn cao, kể cả là phần vỏ, nhiều người sử dụng phần vỏ chanh để đuổi côn trùng (ruồi, muỗi).
Chanh cũng thường được sử dụng làm sản phẩm làm sạch tự nhiên vì đặc tính kháng khuẩn và chống vi trùng. Kết hợp với giấm, vỏ chanh có thể được sử dụng để làm chất tẩy rửa đa năng tuyệt vời.
Vỏ chanh có một số đặc tính có lợi cho sức khỏe làn da. Nó hoạt động như một chất tẩy tế bào chết có thể giúp loại bỏ các tế bào da chết và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào da mới.
Bên cạnh đó, các vitamin C trong vỏ chanh có thể làm sáng da và giúp giảm các đốm đồi mồi. Ngoài ra, loại vitamin này còn kích thích quá trình sản xuất collagen, từ đó có thể làm săn chắc da.
Tuy nhiên, tuyệt đối không được xát trực tiếp vỏ chanh lên da mà nên pha loãng với dầu ôliu hoặc các loại dầu vận chuyển khác và cẩn thận nếu bôi trên một vùng da rộng.
3. Lưu ý khi sử dụng vỏ chanh
Tuy có nhiều tác dụng, nhưng khi sử dụng, BS. Hà Hải Nam cũng khuyến cáo: Không nên dùng vỏ chanh quá nhiều, vì để trong phòng quá nhiều vỏ chanh sẽ nặng mùi và gây cảm giác khó chịu. Khi dùng làm vị thuốc không nên dùng quá 20g vỏ chanh/ngày.
Trước khi sử dụng vỏ chanh, hãy dùng nước rửa trái cây và nước sạch chà rửa trái cây hoặc rửa bằng baking soda để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu (nếu có).
Ngoài ra, tốt nhất là nên hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng vỏ chanh nếu có tiền sử các vấn đề sức khỏe như loét dạ dày.