Dân Việt

Doanh nghiệp thủy sản thay đổi mô hình quản lý, giúp nông dân thích ứng sau đại dịch

Trần Khánh 26/10/2022 12:20 GMT+7
Nỗ lực đổi mới phương thức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp thủy sản đóng vai trò quan trọng để cùng bà con nông dân phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nông dân cần doanh nghiệp thủy sản chia sẻ trách nhiệm

Ông Nguyễn Trường Đại, nông dân nuôi tôm tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, thời gian gần đây, giá thức ăn cho tôm liên tục tăng, làm cho chi phí đầu vào cũng tăng cao. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi tôm.   

Khoảng 1 tháng nay, giá tôm thẻ chân trắng giảm xuống mức thấp. Nếu như loại tôm 30 con/kg vẫn giữ giá ổn định thì giá tôm loại 60-80 con/kg giảm 10% so với tháng trước. "Trong 3 tháng cuối năm, nhiều nông dân đang hạn chế thả giống lại", ông Đại nói.

Nông dân nuôi tôm ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: P.A

Nông dân nuôi tôm ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: P.A

Ông Trần Công Quận nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cũng cho biết giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng khiến dẫn đến lợi nhuận của người nuôi bị ảnh hưởng lớn.

Nếu bán tôm loại 60 con/kg thì người nuôi tôm lỗ gần 10.000 đồng/kg. "Tháng trước loại tôm 60 con/kg có giá khoảng trên 120.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ khoảng 110.000 đồng/kg", ông Quận kể.

Theo ông Quận, việc nuôi tôm phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vụ nuôi trước lại diễn biến khác với vụ nuôi sau. "Các doanh nghiệp thủy sản cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân trong vụ mùa, từ kế hoạch kinh doanh đến giá thành và chất lượng sản phẩm đầu vào", ông Quận đề nghị.

Ông Ngô Bảo Quốc - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc (Long An) cho biết, trước tình hình giá thức ăn tăng cao, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân nên đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm số lượng đầu con và phòng trừ dịch bệnh hiệu quả.

Đại diện Công ty thủy sản Sando (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, hiện nay, các chính sách thắt chặt về xuất khẩu buộc các doanh nghiệp thủy sản phải tìm kiếm những giải pháp phù hợp để thích ứng.

Các doanh nghiệp thủy sản, từ đơn vị cung ứng vật tư đến nuôi trồng, xuất khẩu cũng phải thay đổi cách thức quản lý, để hỗ trợ người nuôi kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra và phương pháp nuôi trồng.

Nông dân nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân nuôi tôm ở huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: Trần Khánh

Doanh nghiệp thủy sản cải tiến mô hình quản lý

TS. Lê Thanh Thiết – Giám đốc điều hành Công ty Âu Mỹ AEC (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, ngày trước, "muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo". Còn bây giờ muốn khó thì nuôi tôm vì tình hình sản xuất, kinh doanh tôm đang gặp khó ở nhiều địa phương.

Trong nuôi tôm trị bệnh khó hơn là phòng bệnh. Công ty AEC chuyên cung cấp thuốc thú y, thủy sản và xử lý môi trường cho thị trường cả nước. Sản xuất của nông dân gặp khó, tác động ngược trở lại doanh thu và kế hoạch phát triển của công ty.

Các chính sách thắt chặt về xuất khẩu buộc các doanh nghiệp thủy sản phải tìm kiếm những giải pháp phù hợp để thích ứng. Ảnh: Trần Khánh

Các chính sách thắt chặt về xuất khẩu buộc các doanh nghiệp thủy sản phải tìm kiếm những giải pháp phù hợp để thích ứng. Ảnh: Trần Khánh

Hiện nay, thay vì tập trung mở rộng đại lý, Công ty AEC tập trung hỗ trợ từng đại lý hoạt động hiệu quả. Từ đó, đại lý thành cánh tay nối dài để hỗ trợ lại nông dân của mình.

Vừa qua, Công ty AEC đã chủ động kết nối các thành viên ưu tú ở từng vùng nuôi khu vực phía Nam để thành lập Ban cố vấn chiến lược cho mình.

Ông Thiết cho biết, thành phần của Ban cố vấn chính là những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành nuôi trồng thủy sản. Hơn ai hết, họ là người trực tiếp sản xuất, nắm rõ tình hình sản xuất kinh doanh tại địa phương.

Ban cố vấn sẽ tư vấn lại kế hoạch phát triển của doanh nghiệp cho phù hợp nhu cầu vùng nuôi. Đồng thời, Ban cố vấn giúp doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, và kết nối doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giúp đỡ bà con nuôi trồng thủy sản. 

Công ty AEC thành lập Ban cố vấn chiến lược để hỗ trợ tốt hơn cho bà con nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Khánh

Công ty AEC thành lập Ban cố vấn chiến lược để hỗ trợ tốt hơn cho bà con nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Trần Khánh

Ông Nguyễn Văn Sáu, Ủy viên Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (Bộ NNPTNT) cho biết, những năm qua tình hình dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng. Trong ngành thủy sản, ngành nuôi trồng, chế biến xuất khẩu đóng góp một tỷ trọng đáng kể.

Đảng và Nhà nước đã đề ra Nghị quyết phát triển tam nông, nhất là chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, Nhà nước không thể làm thay tất cả mọi việc. Nỗ lực đổi mới phương thức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng để cùng bà con nông dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Sáu, hệ thống quản lý của doanh nghiệp cần tập trung cao độ và kế hoạch cụ thể cho các chiến lược từng năm, 5 năm. Nhất là việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số phải chuyển tải được xuống tận từng vùng nuôi.

Nghĩa là doanh nghiệp phải cùng đồng hành với nông dân thực hiện chứ không thể chần chừ, đợi làm ăn có lãi mới quay lại hỗ trợ nông dân.

Việc doanh nghiệp tập hợp lực lượng ưu tú vào ban cố vấn cũng là một cách làm hay, giúp nắm bắt sâu sát tình hình thực tế, và triển khai được các định hướng sản xuất, kinh doanh rõ ràng.

Mô hình nên được triển khai ở từng vùng nhằm phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương. "Nhưng các vùng phải liên kết, hỗ trợ nhau theo chiến lược quản trị chung của doanh nghiệp để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Sáu gợi ý.