Sở Công Thương TP.HCM đang lấy ý kiến góp ý dự thảo về quy định giờ bán hàng, các trường hợp dừng bán hàng, quy trình thông báo trước khi dừng bán hàng của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP.HCM.
Dự thảo mới quy định tổng thời gian bán hàng trong ngày và giờ bán hàng cụ thể vẫn do thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự xác định theo thực tế, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên phải đảm bảo tối thiểu 12 giờ trong một ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật); không mở cửa bán trễ hơn 6h và không đóng cửa trước 18h hàng ngày. Đối với những ngày lễ Tết, thời gian bán hàng tối thiểu không ít hơn 8 giờ/ngày.
Dự thảo khuyến khích thương nhân bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng nhiều hơn thời gian tối thiểu quy định như trên.
Thương nhân kinh doanh xăng dầu đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ phải đăng ký thời gian bán hàng, phải niêm yết thời gian bán hàng tại điểm bán. Nội dung niêm yết phải rõ ràng, cụ thể; vị trí niêm yết tại nơi dễ nhận thấy trong phạm vi cửa hàng và thuận tiện cho khách thấy.
Theo cơ quan này, các doanh nghiệp có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đang thực hiện gửi thông báo đăng ký thời gian bán hàng đến Sở Công Thương. Có cửa hàng hoạt động 24/24 nhưng cũng có doanh nghiệp đăng ký bán từ 6 - 18h hàng ngày, hoặc chỉ bán đến 17h hàng ngày.
Sở Công Thương TP.HCM đánh giá giờ tan tầm 17-18h hàng ngày, lượng xe lưu thông lớn và có nhu cầu đổ xăng dầu rất cao. Vì vậy các cây xăng chỉ phục vụ đến 17-18h là không phù hợp với tại TPHCM, nhất là có thời điểm thiếu hụt xăng dầu cục bộ thời gian quan qua.
Dự thảo cũng quy định các trường hợp tạm dừng bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu: Cải tạo, nâng cấp, sửa chữa; ốm đau; thiên tai… Cửa hàng được kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài thời gian tạm dừng bán hàng đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp kéo dài thời gian tạm dừng bán, phải gửi văn bản thông báo và nêu rõ lý do với cơ quan quản lý.
Sở Công Thương TP.HCM có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong trường hợp thương nhân không tiếp tục hoạt động trong thời gian từ 1 tháng trở lên theo quy định hiện hành.
Cũng theo Sở Công Thương TP.HCM, việc gửi thông báo tạm dừng bán hàng của doanh nghiệp về Sở thường chỉ sớm hơn 1-2 ngày so với thời gian tạm dừng, nhưng cá biệt vẫn có trường hợp thời gian đề xuất tạm dừng bán hàng là thời gian ban hành văn bản. Như vậy sẽ không đảm bảo được khung thời gian tối thiểu để Sở xem xét, kiểm tra, chưa đảm bảo việc thực hiện nghiêm theo quy định "chỉ ngừng bán hàng sau khi được Sở chấp thuận bằng văn bản".