Anh Nguyễn Văn Tiến (ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên) kể, khi thu nhập từ cây cao su giảm thấp, anh đã nhanh chóng chuyển đổi sang trồng cây có múi. Những năm đầu, anh gặp không ít khó khăn từ khâu chọn giống tới chăm sóc. Nhờ chị chịu khó tham quan học tập và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Sở NNPTNT tổ chức, công việc của anh Tiến thuận lợi hơn.
Sau đó, Sở NNPTNT Bình Dương khuyến khích anh thành lập HTX để nhiều người cùng tham gia sản xuất. Thấy hợp lý, anh Tiến đứng ra vận động thành lập HTX nông nghiệp Tân Tiến với 7 thành viên, tổng diện tích 50ha, do anh điều hành để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
"Sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp đã giúp HTX làm ra sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn, và mẫu mã đồng nhất để dễ dàng tiếp cận thị trường".
Anh Nguyễn Văn Tiến (HTX Tân Tiến)
Biết được thông tin ngành nông nghiệp triển khai chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất sang quy trình VietGAP, anh nhanh chóng đăng ký tham gia và được Sở NNPTNT xét duyệt hồ sơ, hướng dẫn.
Đến nay, vườn cây của HTX Tân Tiến đã cho thu hoạch được 6 năm, với sản lượng bình quân khoảng 50 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân của thành viên HTX đạt trên 100 triệu đồng/ha.
Thành lập từ năm 2016, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) đang tổ chức sản xuất và thu mua dưa lưới cho bà con nông dân ở khắp các tỉnh thành ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 24 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Kim Long kể, HTX hiện có hơn 50 thành viên. Quy trình hoạt động của HTX được phân chia bài bản ra nhiều khâu từ hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức sản xuất, đến thu mua sản phẩm.
Quan trọng là thông qua cầu nối HTX, các thành viên được hỗ trợ các thủ tục để thực hiện vay vốn theo Nghị định 04 của UBND tỉnh. Tùy theo phương án sản xuất, nông dân có thể vay trên dưới 1 tỷ đồng từ nguồn này.
Hỗ trợ vốn vay
Cũng theo ông Quyết, Bình Dương còn có nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, có thể cho vay đến 100 triệu đồng/lượt. Nguồn khác là là vốn hỗ trợ giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Ông Quyết cho rằng, để tiếp cận nguồn vốn vay, nông dân phải có phương án kinh doanh hiệu quả. Đây là bài toán khó với các nông hộ nhỏ lẻ. Thông qua HTX, việc tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác sẽ giúp các thành viên giải quyết nhu cầu vốn từ chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương cho biết, từ sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, nhiều HTX ở Bình Dương đã mạnh dạn mở rộng quy mô, tăng thu nhập cho thành viên. Điển hình, như HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (huyện Phú Giáo) đã được đầu tư kinh phí làm hệ thống tưới tự động, phân bón, máy tính.
2 HTX này đã tham gia Đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, với số tiền hỗ trợ hơn 444 triệu đồng. Bước đầu, các HTX tham gia đã giảm chi phí đầu từ 18-22%.
Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bình Dương đã giải ngân cho 66 phương án vay, với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Hoạt động của quỹ đã góp phần không nhỏ góp phần đưa Bình Dương trở thành một trong những đơn vị đầu tiên cả nước hoàn thành 100% việc chuyển đổi hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2012.
Những năm qua kinh tế tập thể của tỉnh Bình Dương đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Số lượng thành viên tham gia các HTX ngày một đông. "Nhiều nông dân mong muốn vào HTX để nhận được thêm nhiều quyền lợi, và nhất là vay vốn ưu đãi từ các chính sách khuyến khích của nhà nước" - ông Dũng nói.