Cuộc thi Miss Grand 2022 đã khép lại vào tối 25/10 với việc người đẹp Brazil đăng quang, đại diện Việt Nam Đoàn Thiên Ân dừng chân tại top 20 Miss Grand International (Hoa hậu hoà bình quốc tế). Sau những nỗ lực của người đẹp và sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, kết quả này khiến nhiều khán giả Việt tiếc nuối, bất bình.
Hàng loạt người hâm mộ sắc đẹp tại Việt Nam huỷ theo dõi mạng xã hội của Miss Grand ngay sau khi Đoàn Thiên Ân dừng chân, dẫn tới việc trang Instagram của Miss Grand từ 6.8 triệu lượt người theo dõi, hiện tại chỉ còn 4.4 triệu. Trên mạng xã hội Facebook, số lượng sụt giảm cũng tăng cao, khiến trang này quyết định chặn người dùng tại Việt Nam.
Ngay sau đó, chủ tịch tổ chức Miss Grand International - Mr.Nawat Itsaragrisil đã có những chia sẻ về kết quả của Đoàn Thiên Ân. Ông nói: "Công bằng và thẳng thắn mà nói, cô ấy là người có vóc dáng không cân đối, phần hông to. Cô ấy thật sự có gương mặt đẹp, dịu dàng và giao tiếp tốt nhưng hình thể không đẹp so với top 10. Vì vậy, top 20 vị trí (do người hâm mộ bình chọn - Country's power of the year) là được rồi, đó là vị trí quá tốt rồi".
Những chia sẻ của ông Nawat không những không trấn an dư luận mà còn dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn. Trước đó, đại diện Việt Nam nằm trong danh sách 5 người đẹp được Chủ tịch tổ chức Miss Grand International đánh giá cao tại các hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi.
Trên trang cá nhân, siêu mẫu Minh Tú viết: "Phản đối body shaming (miệt thị ngoại hình)". Cô cũng chia sẻ lại bài ứng xử của Đoàn Thiên Ân về bạo lực ngôn từ để chỉ trích ông Nawat.
Trong khi đó, siêu mẫu Hà Anh đăng tải một chia sẻ dài, trong đó cô viết: "Dẫu biết một cuộc thi sắc đẹp là chấm gương mặt, hình thể và trí tuệ (50%-30%-20%), nhưng với cương vị là chủ tịch một cuộc thi sắc đẹp, ông công khai chỉ trích những nhược điểm cơ thể của một thí sinh cũng là một phụ nữ như một món hàng hoá thì điều này không ổn chút nào. Lời ông nói đại diện quan điểm riêng của ông hay cả dàn giám khảo ông mời?
Cuộc thi của ông thì luật chơi ông đưa ra, nhưng đó là một cô gái trẻ, cố gắng hết sức mình để làm đẹp, tăng uy tín cho cuộc thi. Ông chỉ cần nói cô ấy chưa được vào Top vì không hội đủ tiêu chí, cần gì phải hạ thấp cô ấy trong mắt người dân trong nước và quốc tế?".
Trước đó, Miss Grand cũng gặp không ít lùm xùm trên các diễn đàn quốc tế. Một chuyên trang về sắc đẹp của Brazil đã có bài chỉ trích công tác tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022. Bài viết ví von cuộc thi này không khác gì "một gánh xiếc". Bên cạnh đó, chuyên trang này còn thể hiện sự bức xúc với phong thái làm việc thiếu chuyên nghiệp chủ tịch Miss Grand International Nawat Itsaragrisil.
Cụ thể, bài đăng này viết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ ủng hộ gánh xiếc này, nơi mà Chủ tịch lại có quyền quyết định ai sẽ đứng kế ông ta trong ảnh chụp nhóm, cũng như công khai ủng hộ đại diện nước mình. Chúng tôi không thể tin được ông ta có thể khẳng định ai sẽ thắng và ai sẽ vào top trước khi chung kết diễn ra. Năm ngoái, khi các đại diện top 5 đang trả lời ứng xử thì ông ta luôn tỏ vẻ kì thị người LGBT, chỉ lo cười đùa với nhân viên mà chẳng quan tâm các cô gái nói gì. Hãy dừng theo dõi cuộc thi này, đừng khiến cho bản thân bạn xấu hổ như vậy".
Hoa hậu Hoàn vũ 2011 Leila Lopes cũng bình luận: "Quả là một gánh xiếc. Không thể tin được rằng, nhiều cô gái đến đây và chấp nhận để bản thân bị chi phối bởi những sự lố bịch núp bóng "show diễn" này".
Miss Grand được tổ chức lần đầu vào năm 2013. Cuộc thi được sáng lập và đặt trụ sở tại thành phố Bangkok, Thái Lan và được điều hành bởi ông Nawat Itsaragrisil. Hiện tại, đây được coi là cuộc thi sắc đẹp lớn thứ 6 trên thế giới.