Dự diễn đàn có hàng trăm đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và người dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Tại diễn đàn, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin đối với nhà phân phối, người tiêu dùng.
"Thực tế cho thấy, áp dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, nông sản có tem nhãn, sản xuất theo chuỗi an toàn đều bán được giá cao hơn sản phẩm không có truy xuất nguồn gốc ít nhất 20%" - ông Nguyên nói.
Mặt khác, việc tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc cũng từng bước nâng cao năng lực cho HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng ngày nay có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm hơn về chất lượng.
"Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc ở đây không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là thay đổi tư duy, tức từ tuy duy sản xuất sang tư duy kinh tế".
Ông Lê Quốc Thanh -
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta cung cấp hàng hóa ra thị trường thế giới, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe.
Hiện các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… cũng đều đưa ra các quy định bắt buộc thực hiện truy xuất nguồn gốc, như: Quy định 178/2002/E của EU, Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ, quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu qua Lệnh 248, 249 áp dụng từ đầu năm 2022…
"Có thể khẳng định, trong thời gian tới, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và là yêu cầu bắt buộc" - ông Nguyên khẳng định.
Tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, gắn truy xuất nguồn gốc trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Điển hình như mô hình trồng chanh không hạt, mít, mãng cầu đạt chuẩn GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm; chăn nuôi dê tận dụng nguồn phụ phẩm từ mít; chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; nuôi lươn không bùn trên bể; mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP...
Giúp người dân truy xuất nguồn gốc
Theo TS Nguyễn Thị Kiều - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, giá nông sản giữa sản phẩm truyền thống và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc chưa có sự khác biệt lớn.
TS Nguyễn Thị Kiều cũng chỉ rõ: "Phần lớn nguồn lực các HTX, tổ hợp tác còn yếu kém và thiếu, chưa đảm bảo tốt khâu tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo quy trình sản xuất tiên tiến gắn với truy xuất nguồn gốc của nông sản. Ngoài ra, kiến thức về sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc của bà con còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội".
Nhiều đại biểu cho rằng, việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp cũng như sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các sở, ngành, địa phương lẫn Trung ương. Cần có các khóa học cơ bản về công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp, trang trại, HTX, nông dân để áp dụng vào thực tiễn như sổ ghi chép điện tử, khai thác các ứng dụng sản xuất an toàn trên internet… phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm…
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở đường truyền internet mạnh, rộng khắp vùng nông thôn để đáp ứng nhu cầu sử dụng của nông dân và doanh nghiệp. Thậm chí, Chính phủ có thể hỗ trợ 100% chi phí thực hiện truy xuất nguồn gốc với các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên, nhằm giúp họ dễ dàng tiêu thụ sản phẩm làm ra.
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, nước ta đang triển khai nhiều đề án để ứng dụng nhanh các công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, tiến tới minh bạch hóa sản phẩm nông sản của Việt Nam.
"Về phần mềm truy xuất nguồn gốc, cần phải đơn giản hóa để người dân vùng nông thôn có thể dễ dàng sử dụng hơn. Ngoài ra, ngành chức năng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân về phần mềm truy xuất nguồn gốc, để người dân biết được khi sử dụng công nghệ thì mang lại lợi ích gì" - ông Thanh nhấn mạnh.