Vùng chuyên canh chuối ngự (chuối tiến vua) ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) trong 3 năm qua không tăng diện tích, mà giảm từ 22ha xuống chỉ còn 5ha vì dịch bệnh và thiên tai.
Diện tích trồng "chuối iến vua" ở xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành còn lại cũng đang chết dần khiến vùng chuyên canh chuối ngự đứng trước nguy cơ xóa sổ.
"Chuối tiến vua" vàng lá chết đầy vườn
Xã Hành Tín Đông là vùng chuyên canh chuối ngự nức tiếng của huyện Nghĩa Hành, nhưng nay khung cảnh nơi đây không còn nhộn nhịp như trước. Người trồng chuối ngự buồn bã vì bão số 4 gây thiệt hại nghiêm trọng, phần diện tích còn lại thì đồng loạt lá chuyển sang màu vàng rồi chết đầy vườn. Năm nay là năm tồi tệ nhất đối với người trồng chuối ngự. Chị Võ Thị Ngọc Quyên, ở thôn Nguyên Hòa vừa nói vừa chỉ tay ra vườn chuối ngự đang bị đào gốc, chặt bỏ khắp vườn.
"Chồng tôi buồn quá chặt phá cả vườn. Nhà tôi có 3 sào chuối thì cả 3 sào đều nhiễm bệnh. Không biết chuối nhiễm bệnh gì, cứ một tàu lá bị vàng, khoảng 10 ngày sau lá vàng cả cây rồi úa rủ chết. Khi cây mẹ chết thì cây con cũng bị lây bệnh chết theo dù mình đã tách cây con mang trồng sang chỗ khác”, chị Quyên nói.
Chuối ngự là cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây. Sản phẩm chuối ngự được chứng nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Cùng với bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối ngự là 4 loại trái cây của huyện Nghĩa Hành được Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Trước đây, cây chuối ngự rất dễ trồng, chỉ cần bón phân chuồng, tưới nước là cây phát triển tốt. Với diện tích 5 sào, mỗi năm gia đình bà Lê Thị Bông kiếm được vài chục triệu đồng, nhưng bây giờ trồng đâu chết đó. Sau mấy chục năm gắn bó với cây chuối, bà Bông ngậm ngùi chặt bỏ 5 sào chuối ngự để chuyển sang trồng bắp.
“Bổ ngang thân cây chuối bị chết bên trong ruột có màu đen, bốc mùi hôi thối đến nỗi gà, vịt không thèm ăn. Không biết nguyên nhân chuối bị nhiễm bệnh là do đâu? Nông dân chúng tôi đành bất lực!”, bà Bông thờ dài.
Trong 3 năm qua, vùng chuyên canh chuối ngự không tăng được diện tích, mà giảm từ 22ha xuống chỉ còn 5ha vì dịch bệnh. Sau bão số 4, diện tích còn lại đang chết dần khiến vùng chuyên canh chuối ngự đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, địa phương đã báo cáo lên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành về lấy mẫu để tìm nguyên nhân gây bệnh và hướng dẫn nông dân cách phòng trừ, nhưng chưa có cách phòng trừ hiệu quả. Cây chuối lại tiếp tục bị chết.
Sẽ thay thế bằng nguồn giống chuối cấy mô
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành Phạm Thị Mỹ Hạnh, trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) lấy mẫu cây chuối bị chết để giám định. Kết quả cho thấy, chuối ngự Hành Tín Đông chết vì nhiễm nấm Fusarium oxysporum f. sp. Cunense. Bệnh này chưa có thuốc đặc trị.
Nguồn bệnh nằm trong đất. Với những cây khỏe mạnh, bộ rễ khỏe mạnh, nguồn bệnh không có cơ hội tấn công vào cây, nhưng trong quá trình canh tác, nông dân vun xới, bộ rễ cây bị tổn thương giúp nguồn bệnh có cơ hội xâm nhập vào cây gây hại cho cây.
Bệnh làm cho lá chuối bị héo vàng từ dưới lên trên, làm cho cây chuối bị chết dần dần. Các cây bị bệnh tuy cho các chồi mọc từ thân chính nhưng các chồi này cũng bị héo rụi nên không thể để giữ gốc cho vụ sau hoặc sản xuất cây giống mới.
Bệnh lây lan và gây hại nghiêm trọng với tỷ lệ bệnh lên tới 80%. Những diện tích trồng lâu năm, bệnh gây chết cây với tỷ lệ 90 - 100%.
Với diện tích nhiễm bệnh nặng, trung tâm khuyến cáo nông dân luân canh cây trồng khác để cắt đứt nguồn bệnh. Những diện tích nhiễm bệnh tỷ lệ thấp, nông dân cần tỉa cây con trồng với mật độ thưa, không nên trồng dày để hạn chế sự lây lan của bệnh.
Cũng theo bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, để có nguồn giống mới thay thế giống cũ, huyện Nghĩa Hành sẽ thực hiện mô hình trồng chuối ngự bằng nguồn giống nuôi cấy mô. Trong tháng 11 tới, huyện sẽ cấp giống để triển khai mô hình với quy mô 1ha.
Dự kiến trong năm 2023, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) sẽ nhân rộng thêm 4 - 5ha, dần dần nhân rộng thay thế nguồn giống cũ để vực dậy vùng chuyên canh chuối ngự.