Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Tấn Tài (57 tuổi, cựu Phó phòng CSÐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) Công an tỉnh An Giang) để điều tra vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Việc khởi tố ông Tài được xác định là để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án "Buôn lậu" do bà Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cầm đầu.
Điều tra ban đầu xác định, từ tháng 12/2018, C03 Bộ Công an xác lập chuyên án đấu tranh với đường dây "Buôn lậu" do bà Mười Tường cầm đầu. Sau khi bắt một số hàng buôn lậu, C03 Bộ Công an chuyển vụ án về PC03 Công an tỉnh An Giang để điều tra theo thẩm quyền.
Tại Công an tỉnh An Giang, ông Lê Tấn Tài, được phân công chỉ huy hoạt động điều tra vụ án, song vì có quan hệ anh em họ hàng với bà Mười Tường, nên ông Tài đã chỉ đạo thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định, tạo điều kiện để các đối tượng thông cung, thống nhất khai báo gian dối... dẫn đến bỏ lọt hành vi phạm tội và bỏ lọt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong vụ án.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông Tài có yếu tố vụ lợi, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, thẩm quyển điều tra vụ án hình sự của Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao là những tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội liên quan đến chức vụ mà người phạm tội là cán bộ làm nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Cựu Phó trưởng phòng PC03 Công an tỉnh An Giang Lê Tấn Tài vừa bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc tạo điều kiện để tội phạm thông cung, thống nhất khai báo gian dối dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Vì vậy, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với ông này là có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục.
Theo luật sư Khuyên, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" mà ông Tài bị khởi tố được quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự 2015. Khung hình phạt cao nhất của tội danh lên đến 15 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên.
Người phạm tội này có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Hành vi khách quan của tội phạm là làm trái công vụ tức là không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao.
Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, việc khởi tố tội danh trên đối với ông Tài mới là nhận định ban đầu về mặt tội danh của cơ quan tố tụng.
Vị luật sư nhận định, theo thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng, thấy hành vi của ông Tài có dấu hiệu cấu thành tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" theo quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự.
Bởi mặt khách quan của tội này là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung vụ án, vụ việc của những người có thêm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử…
Trong khi đó, ông Tài bằng chức vụ và ảnh hưởng của mình đã chỉ đạo điều tra viên thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các nghi phạm thông cung, thống nhất khai báo gian dối dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.
Đây là hành vi có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tư pháp theo quy định tại Điều 375.
"Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ quan tố tụng sẽ đánh giá toàn bộ chứng cứ, hành vi phạm tội, hậu quả hành vi phạm tôi và dựa vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa để quyết định tội danh và hình phạt phù hợp với quy định pháp luật" – luật sư Khuyên nêu quan điểm.