Chiều nay (28/10), giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định năm 2022 là năm hết sức đặc biệt. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 được xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề thế giới và trong nước chưa lường hết được, đặc biệt đó là thay đổi rất nhanh, rất phức tạp, rất khó lường và vượt xa các dự báo.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã điểm lại các kết quả nổi bật của nền kinh tế trong năm 2022, phân tích nguyên nhân của thành công này. Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nền kinh tế còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, chính sách tài khóa, tiền tệ, quản lý điều hành xăng dầu, thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Cùng với việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngắn hạn là những vấn đề trong trung và dài hạn như tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gỡ vướng liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức trong thời gian tới là rất lớn với nhiều yếu tố bất định hơn, phức tạp hơn, tác động nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không được thỏa mãn, chủ quan lơ là, đặc biệt là những yếu tố tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn…
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phần Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nghiên cứu kịp thời, đề xuất các giải pháp trong cái thời gian tới.
Giải trình rõ hơn về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đây luôn luôn là một nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế, được các đại biểu và cử tri cả nước hết sức quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến, 6 tổ công tác để chúng ta thực hiện và kết quả hiện nay như trong báo cáo đã nêu. Tuy có thấp hơn khoảng gần 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối nhưng chúng ta đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, năm 2022 có 3 đặc thù riêng, đó là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục đối với những dự án khởi công mới. Thứ hai là giá xăng, dầu nguyên vật liệu tăng cao. Thứ ba là vốn và bổ sung năm nay lớn hơn so với năm 2021. Đó là 3 áp lực chính.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, hiện nay 76,5% vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý. Do vậy, vấn đề là tổ chức thực hiện ở địa phương quyết định là quan trọng. Trong cùng một thể chế, trong cùng một điều kiện, trong cùng mặt bằng như nhau nhưng có rất nhiều địa phương với cách làm hay, mô hình tốt đã triển khai giải ngân rất cao, rất tốt. Nhưng cũng có rất nhiều bộ, ngành và địa phương giải ngân rất thấp, như vậy phần lớn là do công tác tổ chức thực hiện.
Còn những vấn đề về thể chế, hiện nay đang từng bước để hoàn thiện, nhất là trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, Luật Đấu thầu và các luật khác cũng sẽ dần hoàn thiện.
“Chúng tôi đề nghị với các đại biểu Quốc hội nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát địa phương mình, từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng, đến tổ chức thi công... trong vấn đề giải ngân đầu tư công của địa phương. Chúng tôi rất mong các đại biểu Quốc hội đồng hành giúp công tác giải ngân, đầu tư tại các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay có nhiều đại biểu cũng đề nghị tách giải phóng mặt bằng, song đây là một vấn đề lớn, để lại cũng nhiều hệ lụy. Bên cạnh mặt tốt, nếu không quản lý chặt chẽ cũng sẽ là một vấn đề nên cần thận trọng và nghiên cứu thật kỹ.
“Trước mắt chúng tôi đề nghị cho nghiên cứu sửa ngay trong Luật Đất đai sắp tới theo hướng cho thực hiện một số hành động trước, như kiểm đếm, đo đạc, khảo sát khi đã có quy hoạch và đã có chủ trương đầu tư trước khi thông báo thu hồi đất thì chúng ta sẽ tiết kiệm, giảm ngay được 6 -8 tháng. Vấn đề này chúng tôi sẽ trình Quốc hội trong sửa Luật Đất đai lần này, rất mong được Quốc hội ủng hộ”, Bộ trưởng kiến nghị.