Ngày 29/10, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (24/10/2002-24/10/2022) qua đó khẳng định sự sáng tạo, liên kết, đột phá để từng bước phát triển thành khu kinh tế - kỹ thuật trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả của Khu công nghệ cao TP.HCM trong việc thu hút đầu tư, giá trị xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực…
Để tiếp tục duy trì tăng trưởng như thời gian qua, bộ trưởng đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP cần mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động công nghệ cao.
Ông Đạt nhấn mạnh Ban quản lý Khu công nghệ cao cần xác định sứ mệnh của Khu công nghệ cao TP là kiến tạo ra những ngành công nghiệp mới cho quốc gia. Đồng thời, cần xác định vai trò đầu tàu trong phát triển, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo…
Theo Bộ trưởng Đạt, dự thảo nghị định đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng nhằm tháo gỡ một số vướng mắc chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thu hút đầu tư. Ông cũng yêu cầu SHTP mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá cao hoạt động của Khu Công nghệ cao thành phố trong 20 năm qua; khẳng định thành quả khu công nghệ cao có sự quan tâm, ủng hộ và đầu tư rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự chia sẻ, góp sức của người dân thành phố Thủ Đức.
Đó còn là sự kiên trì, bản lĩnh của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo thành phố; sự phấn đấu nỗ lực không ngửng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, người lao động; là sự hợp tác, chia sẻ, gắn bó của các đối tác; sự liên kết giữa các viên nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.
"Tất cả đã góp phần xây dựng nên Khu Công nghệ cao TPHCM trở thành Trung tâm quốc gia về công nghệ và là hạt nhân động lực thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ của Thành phố và cả nước", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Sự hình thành và phát triển khu công nghệ cao đã góp phần quan trọng cùng TPHCM thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố về chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kết quả thu hút về công nghệ cao đạt cả về số lượng, chất lượng, sản phẩm chủ lực luôn bám sát tiêu chí sản phẩm công nghệ cao và có tính cạnh tranh toàn cầu.
Trong thời gian tới, Khu Công nghệ cao TPHCM cần phải nỗ lực nhiều hơn để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển vườn ươm công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cao của đất nước; hấp thụ và chuyển giao công nghệ, công nghệ cao; lan tỏa và đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Qua đó, hướng đến hình thành trung tâm kinh tế tri thức, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm đổi mới, sáng tạo, không chỉ tạo ra sản phẩm hàm lượng công nghệ cao mà phải là nơi sáng tạo cung cấp công nghệ cho nền kinh tế.
Trước mắt, TPHCM sẽ khẩn trương hoàn thiện và triển khai chiến lượt phát triển khu công nghệ cao giai đoạn mới; ban hành kế hoạch và có lộ trình tái cơ cấu, đầu tư hiện hữu; cập nhật thu hút đầu tư mới theo hướng có chọn lọc, có trọng tâm.
Thành phố tập trung huy động nguồn lực để phát triển năng lực khoa học - công nghệ nội sinh, tạo hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi số cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các khu chế xuất, khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lan tỏa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, vật liệu. Qua đó, tăng tỷ lệ nội địa hóa… tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc của khu công nghệ cao trong giai đoạn mới.