Đến xã Thăng Long, không ai không biết Tùng - chủ nhân của Thanh Tùng Farm. Trên diện tích 100m2, anh xây dựng 45 lồng lớn nuôi chim sinh sản.
Vừa đặt chân tới trại chim, chúng tôi ấn tượng bởi không gian ngập tràn tiếng hót véo von với đủ các giống chim có ngoại hình độc lạ, có giá trị kinh tế cao như: chào mào bạch tạng, chào mào xám, chào mào đầu trắng...
Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình của mình, Tùng hào hứng giới thiệu: Hiện tại, trong trại chim, chào mào bạch tạng có chân chì, mỏ chì là giống chim giá thành cao nhất, khoảng 350 - 400 triệu đồng/cặp trưởng thành.
Đến nay Thanh Tùng Farm đã bán được khoảng 200 cặp chim sinh sản, thu về hơn 4 tỷ đồng. Với số lượng chim bố mẹ đang có, mỗi năm tôi có thể xuất bán trên 500 con chim 10 ngày tuổi cho khách ở khắp các tỉnh, thành phố.
Niềm đam mê với chim cảnh nhen nhóm trong Tùng từ khi còn là học sinh. Năm 2018, khi mới là sinh viên năm thứ hai, ý tưởng về Thanh Tùng Farm chuyên nuôi chim ngày càng lớn dần sau những chuyến săn chim ở khắp vùng núi Tây Bắc. Nhưng vì chưa đủ tự tin, chưa có vốn nên lúc đó Tùng vẫn chưa thể thực hiện được dự định của mình.
Để hiện thực hóa ước mơ, chàng trai trẻ đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn bởi mọi người trong gia đình không ủng hộ. Năm 2020, cầm tấm bằng tốt nghiệp về quê xây dựng trại chim, Tùng không nhận được sự đồng tình của gia đình và mọi người xung quanh.
“Bố mẹ thường mong muốn con mình có công việc ổn định và cuộc sống không vất vả. Vì vậy, nhiều lần gia đình khuyên tôi nên làm nghề mình đã học, nhưng xin việc đã khó, lương để trang trải cho cuộc sống ở Hà Nội không đủ, bởi vậy tôi cố gắng thuyết phục bố mẹ cho về quê lập nghiệp” - Tùng bộc bạch.
Thanh Tùng cho biết, quá trình nuôi chim sinh sản không hề đơn giản, đòi hỏi người nuôi phải có sự tỉ mỉ trong từng quy trình và chăm sóc như trẻ nhỏ. Mỗi giai đoạn chim sẽ cần những loại mồi tươi khác nhau để có đủ dinh dưỡng cho sinh sản và nuôi con.
Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại trong việc nuôi chim sinh sản nằm ở con giống và thức ăn.
Anh Trần Thanh Tùng, xã Thăng Long (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) giao chim chào mào đến tận tay cho khách hàng.
Thời gian đầu bắt tay vào làm do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc nuôi chim sinh sản cùng với áp lực từ gia đình nên anh liên tục thất bại. Nhiều con vừa chào đời đã chết, số tiền thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Những lúc như thế Tùng cũng nản, từng nghĩ đến việc quay trở lại Hà Nội.
Nhưng không từ bỏ đam mê, anh vừa làm vừa học hỏi từ mô hình của những người cùng sở thích. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cũng được anh áp dụng để xây dựng thương hiệu của mình và tìm kiếm khách hàng.
Đặc biệt, vì đây là những giống chim có giá trị lớn nên anh luôn phải tận tay giao hàng cho khách. Tùng cho biết: Vì tính chất công việc nên đôi khi cả tuần tôi không về nhà. Có những ngày đi cả trăm cây số về nhà trong đêm để lấy chim rồi lại mang đi giao cho khách ngay.
Tuy có vất vả nhưng tôi vẫn vui có thể lo được cho gia đình và được sống với đam mê. Mục tiêu trong thời gian tới tôi sẽ lai tạo ra những giống chim mới, xây dựng thương hiệu cho riêng mình; mở rộng mô hình nhân giống, nuôi chim sinh sản để bảo tồn các loài chim quý trong tự nhiên.