Dân Việt

Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi Đảo Khỉ - Rừng Sác ở Cần Giờ

Nguyên Thịnh 30/10/2022 09:32 GMT+7
Đảo Khỉ - Căn cứ Rừng Sác là địa điểm không thể bỏ qua khi đến Cần Giờ (TP.HCM). Cuối tuần, chỉ chừng 2 tiếng chạy xe, bạn có thể đến đây, khám phá không gian sinh sống của cả nghìn chú khỉ tinh nghịch, tham quan di tích lịch sử gắn với đội đặc công oai hùng.

Từ cầu Khánh Hội, qua quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, đến cuối đường Huỳnh Tấn Phát, sẽ đến được phà Bình Khánh. Đi phà qua vùng trời nước mênh mông của dòng sông Soài Rạp cũng là một trải nghiệm thú vị. 

Phà cập bến, chúng tôi đến được huyện Cần Giờ. Từ đây, cứ thẳng một đường Rừng Sác là đến được Đảo Khỉ. 

Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi Đảo Khỉ - Rừng Sác ở Cần Giờ - Ảnh 1.

Đảo Khỉ ở Cần Giờ là nơi sinh sống của đàn khỉ hàng nghìn con. Ảnh: Vietrek Travel

Cảnh sắc hai bên đường Rừng Sác khá thơ mộng, chỉ thấy xanh một màu mát mắt. Thỉnh thoảng chạy qua đôi ba cây cầu trên tuyến đường này, ngắm nhìn những ngã ba sông như mở rộng ra trước mặt những khoảng trời thoáng đạt. Từ trung tâm thành phố đến Đảo Khỉ - Căn cứ Rừng Sác, quãng đường tính ra hơn 52km.

Đảo Khỉ Cần Giờ với hàng nghìn chú khỉ sinh sống

Đến Đảo Khỉ, chúng tôi mua vé tham quan với giá vé 35.000 đồng/người. Từ cổng bán vé dẫn vào khu vực trung tâm là đoạn đường dài cả cây số, vì thế để tránh phải đi bộ khá xa, chúng tôi sử dụng thêm dịch vụ xe điện ở đây. Xe chạy bon bon đưa du khách vào tận nơi.

Trạm dừng chân cũng chính là khu vực tập trung vô số khỉ lớn, khỉ bé "đợi" sẵn để "chào đón" du khách. Được biết đàn khỉ nơi đây có trên dưới 2.000 con, sinh sống trong môi trường hoang dã, giữa hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng.

Những chú khỉ ở đây quả thật rất dạn. Chúng tự do đi lại, chơi đùa, đứng tràn ra đường, có con mải mê bắt rận cho nhau, có con không ngại áp sát du khách để xin thức ăn, nước uống. Theo quan sát của chúng tôi, chúng rất "khoái" những lon nước ngọt hay những chai nước khoáng, có thể biết tự mở nắp để uống tự nhiên như không. 

Chúng tôi nghe những nhân viên ở đây liên tục nhắc nhở du khách chú ý giữ gìn đồ đạc tư trang cá nhân như nón, điện thoại, ví, kính cận, kính râm… để tránh bị "cướp" bởi những con khỉ tinh quái ở đây. 

Theo chúng tôi thấy, trải nghiệm này cũng thú vị, song cũng có phần hơi nguy hiểm vì sự bạo dạn của đàn khỉ. Một nữ du khách cùng đi đã khá hốt hoảng vì bị khỉ đu bám lên người, giật lấy túi đồ của cô, dù cô đã giấu khá kỹ.

Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi Đảo Khỉ - Rừng Sác ở Cần Giờ - Ảnh 3.

Đảo Khỉ có hệ sinh thái rừng ngập mặn đặc trưng của Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Thịnh

Qua khỏi khu vực náo nhiệt bởi những chú khỉ, chúng tôi thong thả tản bộ trên đoạn đường đẹp như tranh vẽ. Những tán rừng đước vươn cao tỏa bóng như tạo thành mái vòm rộng lớn, không thấy bầu trời, chỉ thấy ánh nắng lung linh khéo xuyên qua kẽ lá. 

Nhiều du khách đến đây chụp ảnh sẽ thấy, khung cảnh lên hình dường như hiện rõ hai lớp màu: màu xanh của lá và màu nâu của thân, rất độc đáo.

Chúng tôi có cảm giác như được tách biệt hẳn cuộc sống ồn ào hối hả ngoài kia, để thực sự trở về với thiên nhiên hoang sơ. Đảo Khỉ nằm trong rừng ngập mặn Cần Giờ, vốn là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam, được UNESCO công nhận vào năm 2000.

Về nguồn tại di tích lịch sử Căn cứ Rừng Sác

Đến Đảo Khỉ, chúng tôi không thể không tham quan căn cứ Đoàn 10 Rừng Sác đã đi vào huyền thoại. Đoàn 10 - Đặc công Rừng Sác anh hùng được thành lập ngày 15/4/1966, ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ghi dấu ấn của bộ đội đặc công trên vùng sông nước Sài Gòn - Gia Định. 

Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi Đảo Khỉ - Rừng Sác ở Cần Giờ - Ảnh 4.

Cung đường dẫn vào di tích Căn cứ Rừng Sác. Ảnh: Nguyên Thịnh

Căn cứ Rừng Sác ở Cần Giờ được công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2004. Lối dẫn vào di tích như một con đường "nổi" ẩn mình dưới tán rừng đước bạt ngàn, được thiết kế chắc chắn, đẹp mắt, uốn lượn duyên dáng, hài hòa khung cảnh thiên nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn. 

Đến di tích, du khách trước hết viếng tượng đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đặc công Rừng Sác đã anh dũng hy sinh. Không khí thiêng liêng ở đây khiến ai cũng dâng niềm xúc động thành kính.

Men theo lối đi bằng gỗ xuyên qua những rừng đước cao, nối liền các lán trại, chúng tôi được dịp tìm hiểu những địa điểm còn lưu dấu ở khu căn cứ cách mạng này, như nhà cảnh vệ, hội trường, nhà thông tin, nhà hậu cần, hầm tránh bom… 

Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi Đảo Khỉ - Rừng Sác ở Cần Giờ - Ảnh 5.

Tượng đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Rừng Sác. Ảnh: Nguyên Thịnh

Tại những công trình đều có bảng giới thiệu, cùng những mô hình các chiến sĩ được dựng lên khá sinh động, chẳng hạn như cảnh chỉ huy Đoàn 10 đang nghe báo cáo tình hình thực địa, quyết tâm tập kích phá hủy kho xăng Nhà Bè.

Bạn có thể đến nhà chiếu phim để vừa nghỉ chân, vừa xem những thước phim tư liệu ghi lại hình ảnh chiến đấu, sinh hoạt của các chiến sĩ đặc công Rừng Sác lẫy lừng một thuở.

Tạm biệt Đảo Khỉ - Căn cứ Rừng Sác, trên đường trở về thành phố, bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy bên đường, cứ lâu lâu cách quãng lại có một hàng bán dừa nước. Đó chính là một trong những đặc sản của Cần Giờ.

Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi Đảo Khỉ - Rừng Sác ở Cần Giờ - Ảnh 6.

Thưởng thức đặc sản dừa nước Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Thịnh

Không quá vội, chúng tôi ghé lại một điểm dừng chân, thưởng thức ly dừa nước thanh mát có hương thơm thoảng nhẹ, hương vị ngọt ngào, cùng những miếng dừa nước có chỗ hơi nhão mềm, có chỗ giòn sựt sựt. Ly dừa nước Cần Giờ làm chúng tôi như khỏe ra, thêm phần phấn chấn.