Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi xem kịch mùa diễn ở sân khấu Hoàng Thái Thanh
Sài Gòn cuối tuần: Tôi đi xem kịch mùa diễn
Nguyên Thịnh
Thứ bảy, ngày 08/10/2022 08:17 AM (GMT+7)
Thu hút khán giả kịch nói ở Sài Gòn, không thể không nhắc sân khấu Hoàng Thái Thanh, nơi đem đến những vở kịch tâm lý xã hội gợi nhiều suy ngẫm, với thái độ làm nghề nghiêm túc và nỗ lực bền bỉ để duy trì sân khấu sáng đèn. Lần này, chúng tôi đến Hoàng Thái Thanh để xem "mùa diễn", với vở Mùi của hạnh phúc.
Cuối tuần, chúng tôi đến sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Với nhiều người Sài Gòn nói chung, đi xem kịch là hoạt động giải trí không còn mấy xa lạ, và Hoàng Thái Thanh cũng đã trở thành điểm hẹn của không ít người.
Vé xem kịch được chúng tôi đặt trước, gần tới giờ diễn có thể đến nhận vé. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tôi chọn vé ở hàng ghế giữa, dễ theo dõi hơn so với ngồi hai bên, hơi bất tiện một chút. Và may là, dù đặt vé khá trễ, chúng tôi vẫn có được ghế ngồi ưng ý.
Hạnh phúc với sân khấu Hoàng Thái Thanh
Suất diễn bắt đầu từ 15h. Khán giả khá đông, tuy không kín hết chỗ nhưng khán phòng đã lấp đầy những khu vực chính. So với đôi lần chúng tôi đi xem trước đây, lượng khách như thế kể cũng nhiều. Một tín hiệu đáng mừng.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Hoàng Thái Thanh trong "mùa diễn", với một vở kịch mới ra mắt - Mùi của hạnh phúc. Tháng 9 vừa qua, sau khoảng 4 tháng công bố ngưng biểu diễn định kỳ, Hoàng Thái Thanh chính thức bước sang một phương thức mới, mà sân khấu gọi là "mùa diễn".
Đây kỳ vọng là hướng đi có thể giải quyết nhiều khó khăn mà sân khấu kịch đang phải đối mặt. Thay vì lịch diễn dàn trải, xen kẽ các vở vào cuối tuần, trong suốt cả năm như thế, khiến việc thu hút khán giả đến xem kém hiệu quả, giờ đây, mỗi mùa diễn chỉ diễn chừng vài tháng dịp giữa năm hoặc Tết, tập trung vào 1, 2 vở cố định. Khán giả chỉ có thể xem trong thời gian này, vì sau mỗi mùa diễn, sân khấu sẽ ngưng hẳn vở đó.
Mùa diễn đầu tiên, Hoàng Thái Thanh trình làng Mùi của hạnh phúc, tác giả Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, ý tưởng kịch bản gốc Mai Thịnh - Ngọc Mẫn, đạo diễn Thành Hội.
Thực ra, với các khán giả "ruột", có thể thấy vở này mang màu sắc tương đối khác so với những tác phẩm trước đây của sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Câu chuyện tình yêu của một cặp đôi trẻ tuổi vừa xong đại học, bước ra đời, những nút thắt từ mối quan hệ "sugar baby - sugar daddy" (chỉ quan hệ giữa người đàn ông lớn tuổi yêu đương những cô gái trẻ, đáng tuổi con mình, chu cấp tiền bạc cho họ), những từ ngữ "hot trend" (xu hướng) trên mạng xã hội như "Tuesday" (người thứ ba)… phần nào đem lại hơi thở đương đại cho vở kịch này, thay vì không khí hoài niệm như các vở trước đó của Hoàng Thái Thanh.
Đèn dần tắt. Cánh màn nhung dần hé. Các diễn viên như Thúy Diễm (vai Bạch Vân), Đoàn Minh Tài (vai Hải), Ngọc Duyên (vai Thảo) khá tròn vai. Lần này, chúng tôi có chú ý hơn tới Thúy Diễm. Cô vốn quen thuộc với khán giả phim truyền hình, nhưng với sân khấu kịch, rõ ràng nữ diễn viên hãy còn mới mẻ, đây là một thử thách với cô.
Theo cảm nhận riêng, đôi lúc nét diễn của các vai chính kể trên còn hơi gồng quá, hơi… kịch quá, với một số lời thoại đem lại cảm giác hơi "sến".
"Đã" nhất với chúng tôi, có lẽ chính là lớp diễn của hai nghệ sĩ gạo cội - Thành Hội (vai đại gia Trí) và Ái Như (vai bà Thương, vợ đại gia). Họ chắc chắn dày dặn trong kinh nghiệm diễn xuất, mà cũng phải, bởi họ chính là "thầy" của khá nhiều diễn viên trẻ ở đây, quan trọng hơn, là "cha", là "mẹ" của sân khấu này. Lớp diễn của hai nghệ sĩ, chỉ hai người, nhưng đem lại màn đối thoại tinh tế, gay cấn, giàu cảm xúc, lôi cuốn người xem đến mức… giật mình.
Đến sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, là một khán giả, chúng tôi, trước hết luôn cảm thấy an tâm, an tâm vì thái độ làm nghề chăm chút, chỉn chu và tôn trọng người xem. Với Mùi của hạnh phúc, Hoàng Thái Thanh vẫn luôn tử tế như thế, như trong mọi vở diễn. Trong 3 giờ đồng hồ, khán giả vẫn say sưa theo dõi câu chuyện trên sân khấu, có khi cả khán phòng cùng cười ồ vì mảng miếng của các nghệ sĩ, ít thôi, nhưng vừa vặn, có khi cùng lắng lại, suy tư, nghĩ về câu hỏi "hạnh phúc có mùi gì?".
Song, thẳng thắn và chân thành mà nói, kịch bản vở diễn lần này là một điểm yếu. Mà hình như khó khăn về kịch bản, cụ thể là "khủng hoảng thiếu", vẫn đang là tình trạng chung, không chỉ cho sân khấu kịch mà còn các sân khấu khác, cả phim điện ảnh, phim truyền hình Việt Nam.
Mùi của hạnh phúc có một thông điệp rõ ràng, người xem không khó để ngẫm ra. Tuy nhiên, đường dây câu chuyện có chỗ chưa thuyết phục, cần thêm những liên kết thỏa đáng hơn, ví dụ, bước chuyển của nhân vật Bạch Vân khi gặp đại gia "nuôi" mình, hay lý do ông Trí mở vòng tay với Vân… Cái kết kịch và thông điệp bao quát chung của vở, dường như vẫn còn gượng ép khi gửi đến khán giả. Cái tên nhân vật - Bạch Vân - gắn bó chặt chẽ với cái kết cũng khiến người xem cảm thấy bàn tay sắp đặt vô hình của tác giả… lộ quá.
Nhớ lần đầu xem kịch và hôm chia tay "mùa cũ"
Lần đầu tôi đi xem kịch ở Hoàng Thái Thanh là 7 năm trước, đầu năm 2015. Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh thì đã ra đời từ năm 2010, song bấy giờ là thời điểm Hoàng Thái Thanh mới chuyển địa điểm từ Nhà thiếu nhi TP.HCM (quận 3) về Nhà thiếu nhi quận 10 ở 139 Bắc Hải, quận 10 và hoạt động đến nay.
Cũng lúc này, sân khấu Hoàng Thái Thanh đang rất "hot" với vở Nửa đời hương phấn. Nửa đời hương phấn của đôi soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng thì đã quá quen thuộc với khán giả yêu cải lương, được xếp vào hàng kinh điển. Song, với tư duy và kỹ thuật của Hoàng Thái Thanh, một tác phẩm kịch nói đã ra đời, để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả.
Đó là lần đầu tiên tôi tận mắt được thấy diễn viên Hồng Ánh (vai cô The, sau đổi tên là Hương) ở ngoài đời, được xem cặp đôi nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như đã nghe tiếng từ lâu, quý nể họ ở tình yêu mãnh liệt dành cho thánh đường kịch nói và thái độ nghiêm túc làm nghề. Nửa đời hương phấn để lại nhiều cảm xúc trong tôi, nhất là cảnh cuối The được mẹ (Ái Như) gội đầu bồ kết.
Ngoài chất Sài Gòn xưa được tái hiện tỉ mỉ qua đạo cụ, phục trang, lời thoại…, trong vở còn vang lên thanh âm mộng mị "Kiếp nào có yêu nhau" của nhạc sĩ Phạm Duy, qua tiếng hát của danh ca Thái Thanh và ca sĩ Tuấn Ngọc.
Âm nhạc cũng là điểm tôi rất thích ở Hoàng Thái Thanh. Những ca khúc vượt thời gian luôn được lồng ghép khéo léo, tinh tế trong các vở kịch, như với vở tôi xem gần đây nhất, chính là Bông hồng cài áo, với tuyệt phẩm "Lời mẹ ru" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân…".
Lại nói về Bông hồng cài áo. Hồi tháng 5-7 năm nay, Hoàng Thái Thanh loan báo rộng rãi thông tin - không biết vui hay buồn với khán giả - rằng sân khấu sẽ cho tái diễn lần cuối cùng 10 vở kịch tiêu biểu của mình, trước khi chính thức chia tay với khán giả.
Trong 10 vở được tái diễn lần này, tôi đã xem 8 vở, có những vở khó quên như Nửa đời hương phấn, Bàn tay của trời, Hãy khóc đi em, Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về. Cuối cùng, tôi chọn Bông hồng cài áo, một vở tôi rất háo hức muốn xem, dù chưa có dịp. Hôm đó là suất diễn gần như cuối cùng của Bông hồng cài áo. Diễn xong, đoàn kịch còn dành thời gian ngồi lại, giao lưu với khán giả.
Tôi chỉ nhớ, tôi chắc cũng như mọi người, đã nán lại và nghe những tâm tình của đoàn, dành những tràng vỗ tay nồng nhiệt nhất cho suất diễn ấy.
Và tôi cũng chợt chạnh lòng khi nhớ lời tâm sự của nghệ sĩ Thành Hội: "Chúng tôi không biết kế hoạch mùa diễn sẽ thành công hay thất bại. Không ai trả lời được. Chúng tôi chỉ biết làm hết sức mình. Tuy biết là liều mạng nhưng chúng tôi chọn làm hiệp sĩ rồi chết!".
Nếu Hoàng Thái Thanh đã "sưởi ấm tâm hồn" của bao người xem, thì chính sự ủng hộ của khán giả yêu kịch nói Sài Gòn, tôi nghĩ, và tin, sẽ có thể tiếp sức, "sưởi ấm" cho những chú chuồn chuồn đang bay trên cánh mỏng mang tên: Hoàng Thái Thanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.