All Hallows' Evening (viết tắt là Halloween) thường được biết đến với cái tên "Lễ hội ma quỷ" hay "Lễ hội hóa trang" - là lễ hội truyền thống có nguồn gốc từ phương Tây, diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm. Vào dịp này, hoạt động hóa trang thành những nhân vật được yêu thích đã trở thành một nét đặc trưng của lễ hội Halloween.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, lễ hội Halloween được giới trẻ yêu thích và tổ chức khá rầm rộ trên khắp đường phố, vào tận trường học. Tuy nhiên, hình ảnh học sinh với gương mặt ma quỷ rùng rợn, thây ma, bộ xương đang khiến nhiều bậc phụ huynh lên tiếng phản đối. Thậm chí có nhiều người cho rằng cần cấm tổ chức Halloween trong trường học vì quá phản cảm, phi giáo dục.
"Thay vì hướng học sinh đến những điều tốt đẹp, tích cực thì nhà trường lại cổ vũ cho những điều phi giáo dục. Biết là vui nhưng vui thôi đừng vui quá như vậy vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam", chị Nguyễn Thu Hòa, một phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ.
Một phụ huynh khác cũng đồng quan điểm về việc cần cấm tổ chức lễ hội Halloween trong trường học vì quá rùng rợn: "Học sinh bé tí nhưng bố mẹ cũng hóa trang cho con mặt mũi thì đầy máu đi dọa những đứa trẻ khác. Tôi không biết học sinh học được điều gì từ lễ hội ngoại lai này?".
"Tôi chứng kiến cảnh một học sinh khóc thét khi thấy bạn hóa trang thành Vô Diện gương mặt trắng toát. Tôi đồng ý luôn và ngay việc cấm tổ chức lễ hội Halloween trong trường học. Nhiều người còn lên mạng kêu gọi "like" ảnh nữa chứ. Tôi không thể hiểu nổi", chị Lê Mai Phương, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân cho hay.
Tuy nhiên, cũng có phụ huynh khác cho rằng, học sinh vui thích là được: "Trong trường học hạn chế hoá trang hình rùng rợn là được. Còn những hình ảnh rất đặc trưng cho Halloween như bí ngô, con dơi, con nhện, chú ma trắng, mèo đen... thì vui vẻ, giải trí mà. Người lớn không nên cổ hủ, bảo thủ, áp đặt suy nghĩ quá như vậy".
Liên quan đến việc tổ chức Halloween trong trường học, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm: "Chúng ta đặt câu hỏi tại sao giới trẻ lại thích các hoạt động như lễ hội Halloween và thích hóa trang thành những nhân vật rùng rợn, thậm chí có hình ảnh nhóm bạn trẻ hóa trang giả người chết...?.
Câu trả lời là trong thế giới mở 4.0 hiện nay, ở bất cứ cấp bậc nào, học sinh cũng có thể tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, chúng ta chưa có bộ lọc nào để định hướng giới trẻ khi sử dụng điện thoại, máy tính cũng như cách sử dụng thông tin... Vì vậy, tâm lý chung là con trẻ có xu hướng thích khám phá những điều mới lạ, những trào lưu trên thế giới để học theo.
Bản chất của các bạn trẻ, đặc biệt là tuổi teen, luôn muốn thể hiện bản thân như trường hợp ở giả chết trên đường Nguyễn Huệ. Các bạn chỉ đơn giản là muốn làm điều độc lạ, để muốn mình là nhân vật trung tâm. Đứng về mặt văn hóa, chúng ta không nên đồng tình với hành vi thái quá mà cần định hướng để các em không có hành động lệch chuẩn, phản cảm như vậy".
Chia sẻ về việc du nhập Halloween vào trường học có phù hợp hay không, chuyên gia Nguyễn Đình Sơn cho rằng: "Không thể nói là không phù hợp vì đó là xu thế của thế giới nên chúng ta có cản cũng không thể cản nổi. Bản chất của lễ hội Halloween là hóa trang thành các nhân vật lập dị, ma quỷ và xin kẹo... Tôi thấy hiện nay khá nhiều trường học tổ chức. Nếu các trường cho học sinh hóa trang nhẹ nhàng, vui vẻ thì hoàn toàn nhận được sự đồng tình của phụ huynh".
"Khi chúng ta không tạo sân chơi ở trường, ở lớp thì các em sẽ ra đường phố để tổ chức. Như vậy gia đình và trường học sẽ càng không quản lý được. Nhà trường nên tạo sân chơi cho học sinh có định hướng để các em tìm hiểu văn hóa, hội nhập trào lưu nhưng làm sao tránh được tình trạng phản cảm như nhóm bạn trẻ nằm đắp chiếu trên đường", chuyên gia Đình Sơn nêu.