Giáo viên xôn xao trước thông tin "kỷ luật học sinh sai quy định bị phạt tới 10 triệu đồng"

Tào Nga Thứ hai, ngày 31/10/2022 11:32 AM (GMT+7)
Thông tin "kỷ luật học sinh sai quy định bị phạt tới 10 triệu đồng" đang khiến nhiều giáo viên lo lắng.
Bình luận 0

Giáo viên kỷ luật học sinh sai quy định bị phạt tới 10 triệu đồng?

Mới đây, trên các diễn đàn mạng xã hội của giáo viên xôn xao trước thông tin "kỷ luật học sinh sai quy định bị phạt tới 10 triệu đồng". Thời gian vừa qua, nhiều vụ học sinh hỗn láo, chửi tục... với thầy cô nên đứng trước thông tin này càng khiến giáo viên cảm thấy e ngại. 

Một giáo viên bày tỏ: "Ra luật như này sẽ khiến cho một bộ phận giáo viên dần trở nên vô cảm với nghề. Nghề giáo đã vốn áp lực, hiện nay đã có rất nhiều giáo viên chán nghề, bỏ nghề, tạo ra lớp "thợ dạy" đúng nghĩa. Nếu có thông tin này thật sẽ có 1 bộ phận học sinh, phụ huynh vin vào luật mà làm khó giáo viên".

"Phụ huynh và học sinh bây giờ được trao nhiều quyền quá, làm sao giáo viên giáo dục được học sinh nữa đây. Rồi xã hội tương lai sẽ đi về đâu", một giáo viên khác nói.

Tuy nhiên, thực tế đây là thông tin trong Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, không phải trong giáo dục phổ thông. Cụ thể "Theo Điều 30, Nghị định 88/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng áp dụng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách đối với người học". 

Giáo viên xôn xao trước thông tin "kỷ luật học sinh sai quy định bị phạt tới 10 triệu đồng" - Ảnh 1.

Một lớp học ở Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, Hiệu trưởng hệ thống trường liên cấp Tuệ Đức cho hay: "Đây là Nghị định áp dụng trong giáo dục nghề nghiệp song nhiều giáo viên phổ thông chưa nắm rõ đã cảm thấy hoang mang".

Theo thạc sĩ Phúc Thịnh, đối với giáo viên phổ thông đã có điều lệ nhà trường (trường công lập có Thông tư 32 và trường tư thục có Thông tư 40) và quy định rõ những điều giáo viên và học sinh được làm/không được làm. 

"Đầu năm học nhà trường sẽ phổ biến cho giáo viên nắm chắc các quy định cũng như các hình thức kỷ luật học sinh như nhắc nhở, viết bản tường trình hay trong trường hợp học sinh vi phạm nặng sẽ có hình thức đình chỉ học tập... Do vậy sẽ rất ít trường hợp kỷ luật học sinh sai quy định. Nếu giáo viên làm sai sẽ có các hình thức nhắc nhở như điểm đánh giá thi đua, không nâng lương và nặng hơn là chấm dứt hợp đồng...", thạc sĩ Thịnh nói.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là cần thiết

Liên quan đến vấn đề quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay: "Về nguyên tắc chung của pháp luật thì người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đối với lĩnh vực giáo dục, trường hợp giáo viên vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý kỷ luật và còn phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Các văn bản quy định về kỷ luật viên chức và kỷ luật Đảng đều có quy định là việc xử lý kỷ luật không thay thế các chế tài của pháp luật. Bởi vậy trường hợp viên chức, người lao động hoặc cán bộ công chức vi phạm pháp luật thì ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành, của Đảng, người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có thể bị áp dụng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự tùy thuộc vào hành vi cụ thể và hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. 

Trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp, các giáo viên được quyền thực hiện các hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật như khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập... học sinh. Pháp luật nghiêm cấm hành vi kỷ luật xúc phạm danh dự nhân phẩm của người học, vi phạm về chính sách giáo dục. 

Thời gian qua đã có trường hợp giáo viên đã bị xử lý hình sự về hành vi bạo hành với học sinh, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra. Bởi vậy việc ban hành Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là cần thiết. 

Văn bản này quy định cụ thể các mức phạt tiền đối với từng hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học... theo đó , Nghị định quy định phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về chính sách đối với người học. 

Ngoài ra, đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 – 15 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với nhà giáo. Đối với hành vi không thực hiện đánh giá, xếp loại; không xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; không bố trí nhà giáo đi thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn theo quy định bị phạt từ 15 - 20 triệu đồng.

"Trong xã hội có hai nghề được cả xã hội tôn vinh, gọi là thầy đó là thầy giáo và thầy thuốc. Một xã hội có khỏe mạnh hay không, có tiềm lực để phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào thành công của lĩnh vực y tế và giáo dục. Việc bổ sung các quy định, các chế tài đối với các hình thức xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và chế tài hình sự đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này cũng là điều cần thiết. Chế tài hành chính với hành vi vi phạm luật giáo dục, xâm phạm đến quyền lợi của người học sẽ là cảnh báo, cảnh tỉnh cho các giáo viên, cán bộ giáo dục trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật và kỷ luật học viên đồng thời là cơ sở pháp lý để xử lý đối với hành vi vi phạm. 

Khi danh dự nhân phẩm của học sinh được tôn trọng, các quy định trong lĩnh vực giáo dục được bảo đảm tuân thủ thì xã hội mới văn minh, môi trường giáo dục mới trong sạch, lành mạnh, tạo động lực để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, tuân thủ pháp luật", TS Cường cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem