Vào thời La Mã cổ đại, thoát y vũ là thú tiêu khiển phổ biến. Cách thoát y của các cô gái La Mã rất nhẹ nhàng, đôi khi họ chỉ cần di chuyển ngược chiều, y phục sẽ tự động rơi xuống. Kịch trường La Mã cũng rất phóng khoáng, có thể diễn bất kỳ tác phẩm khêu gợi nào. Mô thức cố định của kịch là cảnh bắt quả tang cô gái khỏa thân. Bất kỳ nam hay nữ diễn viên đều có thể tùy hứng biểu diễn những động tác kích thích dục tính.
Sự phóng túng tính dục của người La Mã được đẩy lên cao điểm qua hình mẫu một nhân vật trứ danh thời đó, vũ nữ Theodora. Từ một diễn viên ca kịch, từng đóng vai khỏa thân, Theodora đã leo lên địa vị quý tộc, trở thành một nữ hoàng đầy quyền lực và dâm đãng.
Sử gia Procopius (499 – 565), trong cuốn Bí sử, đã viết về người phụ nữ lừng danh này như sau: “Ở Byzantine có một người tên là Akamas, chuyên quản lý các động vật ở đấu trường. Mặc dù mạnh như gấu, nhưng đến thời Anasthatus chấp chính, ông ta đã mắc đột bệnh và qua đời, để lại 3 người con gái: Komith, Theodora và Anasthania, trong đó cô lớn nhất là Komith mới lên 7. Người vợ cải giá. Sau khi trưởng thành, cả 3 cô gái đều rất xinh đẹp, được mẹ cho phép đi biểu diễn trên sân khấu. Do không được huấn luyện chuyên nghiệp về ca múa, Theodora chỉ có thể dựa vào sắc đẹp và tuổi trẻ của mình để chinh phục khán giả. Trong nhiều vở kịch, nàng chấp thuận đóng vai khỏa thân một cách tự nhiên. Từ đó, trong những buổi yến tiệc sang trọng của các gia đình quyền quý, Theodora đều được mời tới để vũ thoát y…”.
Dân chúng thường đổ xô về rạp xiếc ở Contantinople xem Theodora biểu diễn bán thoát y cùng với những con sư tử. Có rất nhiều người say đắm vũ nữ Theodora, trong đó có Justinian, cháu của hoàng đế và là người thừa kế ngai vàng của đế chế Byzantine.
Justinian si mê và cưới nàng làm vợ khi Theodora 16 tuổi. Procope đã viết về tình yêu của Justinian đối với nàng: “Theodora là mối tình mê khoái nhất của Justinian. Nàng đòi hỏi ân huệ gì, hoặc món vàng bạc châu báu nào, ông sung sướng lấy cho nàng đầy đủ như nàng mong ước”.
Khi Justinian lên ngôi hoàng đế Đông La Mã, Theodora trở thành hoàng hậu. Vào thời bấy giờ, những người có địa vị cao bị cấm kết hôn với diễn viên và vũ nữ. Justinian phải thuyết phục chú mình, ký sắc lệnh cho phép “những cựu vũ nữ, ca nữ, gái điếm, đã giải nghệ được phép đưa đơn lên Hoàng đế để xin phục hồi địa vị phụ nữ lương thiện và được kết hôn với bất cứ người đàn ông nào, kể cả các quan Đại thần trong triều đình và vẫn được chức mệnh phụ phu nhân”.
Thật may mắn cho Justinian, bởi quyết định cưới nàng Theodora không phải sai lầm, lòng can đảm của Theodora đến một ngày đã cứu vớt cả đế chế Đông La Mã.
Uy quyền của Theodora đã lên đến tột bậc. Trong lịch sử thế giới, chưa có triều đình nào mà một mỹ nhân từ địa vị thấp nhất trong xã hội bước lên một ngôi tuyệt đỉnh trong thiên hạ. Thế nhưng, trong đám quan liêu của triều đình Byzantine và trong dân chúng đã có mầm bất mãn nổi dậy chống tân Hoàng đế Justinian và Hoàng hậu Theodora. Trong triều, hai phe xưa là thù địch của nhau, đoàn kết lại để diệt trừ Justinian và Theodora. Hai phe liên minh tuyên bố quyết tâm đoàn kết đánh đổ chế độ Justinian cho đến toàn thắng. Cuộc khởi loạn lan rộng ra đến các vùng ngoại ô, và sự đe dọa mỗi ngày mỗi bành trướng, vua Justinian bắt đầu lo sợ…
Trước tình thế chính trị trầm trọng, Hoàng đế Justinian nhóm họp một phiên nội các khẩn cấp để tìm biện pháp thích nghi. Nhưng hầu hết các vị đại thần trong triều đình đều nhận thấy rằng tình hình đã tuyệt vọng, họ khuyên hoàng đế âm thầm bỏ kinh đô, đem hết vàng bạc châu báu trốn ra ngoại quốc. Nhà vua tán thành giải pháp lưu vong và lập tức truyền lệnh vận chuyển tất cả các kho vàng bạc châu báu trong cung điện xuống mấy chiếc tàu của vua đậu ở ngoài khơi biên. Nhà vua không dám cho Theodora biết quyết định của triều đình, và đợi đến phút chót sẽ mời hoàng hậu xuống tàu thoát nạn.
Theodora đoán biết có biến cố trầm trọng khi thấy lính tráng thu xếp đồ đạc. Nàng chạy ngay ra toà nội các hỏi nhà vua và biết được ý định bỏ kinh đô của nhà vua. “Không! Một ngàn lần không! Ta không tán thành kế hoạch chủ bại và rút lui hèn nhát như thế! Ta không thoái vị, và quyết bảo vệ ngôi hoàng hậu của ta!”, Theodora lớn tiếng.
Theodora truyền lệnh khiêng các thùng vàng và châu báu trở về cung điện, nàng quyết ở lại, đương đầu với cuộc nổi dậy của dân chúng để bảo vệ ngai vàng. Lợi dụng cơ hội hai phe bất hòa, Theodora chia rẽ rồi dùng tiền mua chuộc hai phe đối lập nhau. Đến khi tình thế chín mùi, Theodora mới đánh một đòn bất ngờ để tiêu diệt phong trào chống đối.
Justinian ngồi vững trên ngai Hoàng đế nhờ thủ đoạn kiêu căng, tham tàn, vô lương tâm, vô nhân đạo của nàng cựu vũ nữ Theodora, hoàng hậu của Đế quốc Byzantine.
Justinian và Theodora đã cùng nhau trị vì thêm 21 năm nữa. Justinian còn tiếp tục trên ngôi vị hoàng đế thêm 17 năm sau khi Theodora qua đời.
Cho dù các sử gia không tiếc lời bình luận về tính dâm đãng và tàn độc của nàng, nhưng họ cũng phải thừa nhận năng lực của Theodora trong vai trò phụ tá Justinian. Khi trở thành hoàng hậu, nàng tăng cường sức mạnh của các Giáo hội Đông Kitô rồi sau đó trở thành một vị thánh trong Giáo hội chính thống.
Bên cạnh đó, nàng từng giành nhiều thời gian đấu tranh vì nữ quyền bằng cách thiết lập các hình phạt đối với tội cưỡng bức; cấp quyền cho phụ nữ trong các trường hợp ly hôn cũng như cho phép phụ nữ sở hữu, thừa kế tài sản. Chính vì những lẽ đó, Theodora được mệnh danh là một trong số những người phụ nữ “quyền lực nhất trong lịch sử thế giới”.