Dữ liệu sơ bộ từ Văn phòng thống kê châu Âu ngày 31/10 cho thấy lạm phát đã ở mức 10,7% vào tháng trước, mức cao nhất kể từ khi hình thành khu vực đồng Euro. Trong 12 tháng qua, khu vực đã phải đối mặt với việc giá cả tăng cao, đặc biệt là về năng lượng và thực phẩm, và càng gia tăng mạnh do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Điều này càng được khẳng định thêm lần nữa khi chi phí năng lượng dự kiến ở mức tăng hàng năm cao nhất vào tháng 10 với 41,9% so với mức 40,7% trong tháng 9. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá cũng tăng 13,1% so với mức 11,8% cùng kỳ tháng trước.
Tuần trước, một số quốc gia đã đưa ra các con số ước tính nhanh. Trong đó, Italy, Đức và Pháp là 3 nước có mức lạm phát cao nhất. Cụ thể, ở Italy, lạm phát vượt quá dự kiến của các nhà phân tích, ở mức 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức cũng cho biết lạm phát đã tăng vọt lên 11,6% và ở Pháp, con số này lên tới 7,1%. Các con số khác nhau phản ánh các biện pháp khác nhau mà các chính phủ đã thực hiện, cũng như mức độ phụ thuộc của các quốc gia đó vào nguồn năng lượng từ Nga.
Tuy hiếm, nhưng đã có những quốc gia thuộc khu vực sử dụng đồng Euro có mức lạm phát đã tăng trên 20%, bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania.
ECB - với mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát – ngày 27/10, đã tiếp tục tăng lãi suất trong một nỗ lực kiểm soát lạm phát trong khu vực. ECB hy vọng đưa lạm phát trở lại mục tiêu trung hạn 2%. Theo đó, Ngân hàng này đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp.
Phát biểu tại họp báo sau đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết khả năng suy thoái trong khu vực đồng Euro đã tăng lên.
Cho đến nay, 19 thành viên của khối tuy đã tránh được suy thoái nhưng viễn cảnh kinh tế tiếp tục suy thoái là điều hiển nhiên. Các nhà kinh tế dự đoán GDP tiếp tục sụt giảm trong quý này.
Đồng Euro hiện được giao dịch dưới mức ngang giá so với đồng USD, cho thấy nó đã yếu hơn so với đồng bạc xanh và đó cũng là điều mà ECB lo ngại sẽ đẩy lạm phát trong khu vực tiếp tục tăng cao hơn nữa.