Dân Việt

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội

Phương Đăng 01/11/2022 06:26 GMT+7
Cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc giữa nhiếp ảnh gia Nick Út và "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc đã diễn ra ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam tại Hà Nội tối ngày 31/10 nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh "Em bé Napalm" ra đời (1972-2022).
50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Kim Phúc và nhiếp ảnh gia Nick Út ôn lại kỷ niệm bên bức ảnh "Em bé Napalm" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh Phương Đăng.

"Em bé Napalm" là bức ảnh chấn động thế giới về chiến tranh Việt Nam được nhiếp ảnh gia Nick Út chụp năm 1972 về bé Phan Thị Kim Phúc và những em bé khác đang gào khóc chạy ra đường dưới trận bom napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh.

50 năm đã qua nhưng đó cũng là quãng thời gian Kim Phúc chữa lành vết thương chằng chịt trên da thịt trong khi nhiếp ảnh gia Nick Út nguôi ngoai dần nỗi ám ảnh chiến tranh.

Nhân kỷ niệm 50 năm bức ảnh “Em bé Napalm” ra đời, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhiếp ảnh gia Nick Út và Phan Thị Kim Phúc tại Hà Nội.

Phát biểu chào mừng cuộc hội ngộ, bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh: "Chị Kim Phúc, mới 9 tuổi, đã trở thành nạn nhân của bom napalm. Và Nick Út, lúc bấy giờ mới 21 tuổi đã là phóng viên chiến trường của hãng AP và gánh chịu một mất mát lớn bởi chiến tranh đã cướp đi người anh ruột. Bức ảnh "Em bé Napalm của ông đã đưa đến cho toàn thế giới một sự thật phũ phàng về cuộc chiến mà người Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam vào thời điểm đó. Đó là một cuộc chiến tranh mà phụ nữ và trẻ em bị tấn công và bị dồn vào những bi kịch đau đớn, để hôm nay mỗi chúng ta càng hiểu và trận trọng hơn giá trị của hòa bình, của cuộc sống không chiến tranh, không bom đạn".

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 2.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và bà Phan Thị Kim Phúc tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam tối 31/10. Ảnh Phương Đăng

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 3.

Phan Thị Kim Phúc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Nick Út về bức ảnh ông chụp bà cách đây 50 năm. Ảnh Phương Đăng.

Tại cuộc gặp mặt, nhiếp ảnh gia Nick Út xúc động nhớ lại sự kiện ông chụp bức ảnh "Em bé Napalm" cách đây 50 năm và chia sẻ: "Tôi luôn nhớ hình ảnh của cô bé Kim Phúc lúc đó mới 9 tuổi. Khi chụp bức ảnh "Em bé Napalm" tôi đang còn trẻ. Khi chụp còn tôi nhớ tôi đã khóc và tôi rất muốn cứu Kim Phúc. Khi mọi người ở đó đều bỏ đi hết, tôi không dám đi vì tôi thấy Kim Phúc và người anh ruột vẫn còn đứng trên quốc lộ khóc thảm thiết. Lúc đó, tôi biết tôi không thể bỏ đi được, tôi mới ẵm Kim Phúc đưa lên xe. Người anh ruột của Kim Phúc và người thân cũng ngồi trên xe và ai cũng khóc. Tôi nhìn Kim Phúc và nghĩ rằng, cô bé này không thể nào có thể sống được nữa. Da tay, da lưng đã tuột hết. Lúc đó, Kim Phúc cũng nói với người anh ruột rằng: Anh ơi, chắc em sắp chết rồi!".

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 4.

Nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ khoảnh khắc chụp bức ảnh "Em bé Napalm" và cứu sống Kim Phúc. Ảnh Phương Đăng.

Tuy nhiên, rất may mắn sau đó, "em bé Napalm" đã được cứu sống. Được biết, Kim Phúc từng phải trải qua hàng chục lần phẫu thuật để chữa trị những vết thương trên da thịt. Kéo tay áo để lộ ra những vết sẹo chằng chịt, bà Kim Phúc chia sẻ: "Tôi lớn lên với mặc cảm về những vết sẹo loang lổ trên cơ thể và tự nhủ rằng, mình sẽ không thể có người yêu, không thể lấy được chồng. Tôi tự nhủ mình sẽ không lập gia đình nữa. Nhưng giờ đây, Kim Phúc có cuộc sống bình yên ở Canada với chồng, 2 con trai và 4 cháu nội. Từ tận đáy lòng, Kim Phúc rất biết ơn chú Út Nick vì hành động cứu giúp tôi trong khoảnh khắc đó và bức ảnh chú chụp. Nick là người hùng của tôi!".

Kim Phúc kể thêm rằng, khi vừa trở về nhà sau 14 tháng điều trị trong bệnh viện, được bố lần đầu tiên cho xem bức ảnh "Em bé Napalm", bà đã rất ghét bức ảnh vì thấy mình trong ảnh... xấu quá! Tuy nhiên sau đó, bà đã thay đổi cách nhìn nhận của mình về bức ảnh và không thấy bức ảnh xấu nữa.

"Bức hình đó có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời Kim Phúc. Qua bức hình đó, Kim Phúc đã bắt đầu thành lập Quỹ Kim năm 1997 có trụ sở tại Canada để giúp đỡ trẻ em trên thế giới. Quỹ Kim đã xây dựng trường học, bệnh viện, thư viện... và đặc biệt là giúp đỡ nhiều trẻ em mồ côi hoặc là nạn nhân chiến tranh. Kim Phúc đã học được rằng, mình sống trong chiến tranh, mình sẽ thấy được giá trị của hòa bình!", bà Phan Thị Kim Phúc chia sẻ.

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 5.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc lần đầu hội ngộ tại Hà Nội ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam tối 31/10.

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 6.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam tối 31/10.

50 năm bức ảnh 'Em bé Napalm' ra đời: Xúc động cuộc hội ngộ Nick Út - Kim Phúc tại Hà Nội - Ảnh 7.

Nhiếp ảnh gia Nick Út và "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam tối 31/10.

Nick Út tên thật là Huỳnh Công út, sinh năm 1951 và là phóng viên ảnh cho hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ. Ở độ tuổi 20, Nick Út là phóng viên ảnh chiến trường của AP tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam.

Bức ảnh "Em bé Napalm" đã mang đến cho Nick Út giải Pulitzer. Bức ảnh cũng được New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại. Đây là bức ảnh làm thay đổi cuộc đời của ông và Kim Phúc đồng thời góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Trong lần trở lại này, nhiếp ảnh gia Nick Út đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số hiện vật ông đã sử dụng trong quá trình tác nghiệp những năm 1970 trong đó có chiếc bị đông nước được dùng để làm dịu vết thương của Kim Phúc.

Trước đó, tháng 6/2018. nhiếp ảnh gia Nick Út đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam 2 chiếc máy ảnh mà ông sử dụng khi tác nghiệp trong chiến tranh Việt Nam, 52 tài liệu gốc do ông chụp tại chiến trường Việt Nam và nhiều bức ảnh ông chụp tại Việt Nam sau năm 1975.