Lợi dụng chủ trương xã hội hóa để lạm thu, lạm chi là một trong những vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo tôi, có 3 vấn đề chính liên quan đến tình trạng này là: Do nguồn lực đầu tư cho nhà trường còn thiếu. Người đứng đầu không chuyên nghiệp, năng lực quản trị yếu và thiếu kiến thức pháp luật. Cuối cùng do thiếu sự sát sao của cơ quan chức năng ở địa phương.
Từ thực tế trên, tôi cho rằng, để hoạt động thu chi tài chính trong các trường được minh bạch, hiệu quả, việc đầu tiên và quan trọng nhất vẫn phải là hiệu trưởng. Theo đó, người đứng đầu nhà trường phải có năng lực quản trị, kiến thức pháp luật về tài chính. Trên hết, phải làm việc vì cái tâm và đạo đức của nhà giáo. Để không bị “lệch chuẩn”, hoạt động thu, chi, xã hội hóa của trường cần bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Cần xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm trong hoạt động thu, chi. Thậm chí có thể xử lý hình sự để có tính răn đe.
Cơ quan chức năng ở các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đừng để đến khi dư luận và báo chí lên tiếng mới vào cuộc. Đặc biệt, khi đã tiến hành thanh, kiểm tra, cần làm việc nghiêm túc, khách quan, trung thực. Đó cũng là cách giúp nhà trường tiến bộ, bảo đảm hài hòa giữa hoạt động giáo dục với thu, chi tài chính.
Thay vì bao cấp toàn bộ như trước đây, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế và giáo dục. Đây là chủ trương đúng và có ý nghĩa nhân văn, thực hiện xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sức dân cùng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, mục đích xã hội hóa nhằm hỗ trợ các hoạt động giáo dục của trường học được tốt hơn. Theo đó, học sinh phải là đối tượng chính được thụ hưởng. Làm được việc này, phụ huynh mới tình nguyện tham gia xã hội hóa một cách tự nguyện, vô tư.
Song trên thực tế, một số trường đã lợi dụng chủ trương này để lạm thu, lạm chi. Nhiều khoản thu, chi không đúng mục đích gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận xã hội. Đã có trường phải công khai xin lỗi và trả lại toàn bộ số tiền “lạm thu” cho phụ huynh. Nặng hơn, khi đoàn thanh, kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động thu, chi tài chính thì những người có liên quan đều phải nhận mức kỷ luật thích đáng.
Tuy nhiên, đáng tiếc là, nhiều vụ việc phải đến khi dư luận lên tiếng, phanh phui, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, tiến hành kiểm tra giám sát. Vì thế, tôi cho rằng, cơ quan chức năng có thẩm quyền nên chủ động hơn trong việc này. Có thể kiểm tra theo định kỳ và kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện những dấu hiệu sai phạm. Muốn vậy, các thành viên trong đoàn kiểm tra phải chuyên nghiệp. Ngoài yếu tố chuyên môn nghiệp vụ, cần có kỹ năng quan sát và sự tinh tế khi tiếp cận hồ sơ, báo cáo của các trường. Từ đó, mới kịp thời “bắt bệnh, bốc thuốc” để “chữa bệnh” triệt để. Đặc biệt, tuyệt đối tránh tình trạng “ăn rơ” với nơi mà mình đến kiểm tra, giám sát.
Tôi được biết, hầu hết địa phương đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu cơ sở giáo dục chấn chỉnh lạm thu vào đầu năm học. Chẳng hạn như: UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo về việc triển khai các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục để xảy ra tình trạng thu sai quy định.
Hay như tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu đơn vị tổ chức thanh, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học tại cơ sở giáo dục, nhằm kịp thời xử lý sai phạm và chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Tỉnh này cũng nghiêm cấm lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện thu khoản ngoài quy định.
Thực tế cho thấy, dù có văn bản chỉ đạo hay các quy định, hướng dẫn đã được luật hóa nhưng khi về đến trường học, nhà trường đều có đối sách để “lách luật”. Qua quan sát và dư luận, báo chí phản ánh cho thấy, điểm chung của các khoản thu, chi năm học đều mang tính hình thức, không phục vụ cho chất lượng giáo dục và học sinh. Song, với tâm lý mong muốn con em mình có điều kiện học tập tốt hơn nên hầu hết phụ huynh đều giơ tay biểu quyết. Phần vì phụ huynh cả nể, phần vì theo số đông nên miễn cưỡng ký vào bản cam kết tự nguyện.
Tôi mong rằng, không chỉ ngành Giáo dục, mà chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cũng cần kịp thời, quyết liệt hơn với tình trạng lạm thu. Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra thu, chi tài chính trong cơ sở giáo dục để hoạt động này của nhà trường diễn ra lành mạnh, hiệu quả. Việc thanh, kiểm tra cần chủ động, không nên đợi dư luận lên tiếng mới “tát nước theo mưa”. Đặc biệt, cần có chế tài mạnh, đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng lạm thu, lạm chi trong các nhà trường.