Dân Việt

Chữa bệnh cứu người, thầy Sài Nại người Hoa được dân đảo Phú Quý lập đền thờ hơn 300 năm nay

Bùi Phụ 08/11/2022 12:57 GMT+7
Theo truyền thuyết, hơn 300 năm trước, trong một lần có chuyến tàu buôn ghé đảo Phú Quý (Bình Thuận) để tránh bão. Một thầy địa lý người Hoa trên tàu cho rằng đảo Phú Quý là vùng "địa linh" nên muốn nằm ở đây vĩnh viễn. Sau khi thầy qua đời, đoàn thuyền người Hoa đã đưa thi thể thầy trở lại đảo để an táng…

Người dân xứ đảo một lòng kính trọng thầy Sài Nại

Trong một lần trở lại đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận vào cuối tháng 10/2022, chúng tôi đã đến thăm Đền thờ thầy Sài Nại được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII ở thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (Riêng mộ của Thầy nằm ở thôn Đông Hải, xã Long Hải).

Thầy Sài Nại, một nhà địa lý người Hoa khi qua đời được người trên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận lập đền thờ  - Ảnh 1.

Cổng vào đền thờ thầy Sài Nại. Ảnh: Bùi Phụ

Khi chúng tôi đến, gặp lúc một đại gia đình Việt kiều Canada về nước và ghé đền dâng mâm cơm tạ lễ…

Bác Hai Hùng năm nay đã gần 80 tuổi, là Việt kiều cho biết, lần này về thăm quê hương đảo Phú Quý và bác có ý định muốn xin ở lại đảo luôn đến hết đời. Trước khi làm thủ tục pháp lý theo quy định, cả gia đình bác hôm nay đến đây dâng mâm cơm lên thầy Sài Nại để bày tỏ lòng biết ơn người đi trước.

"Suốt nhiều năm ở nước ngoài cũng thú vị, nhưng lớn tuổi tôi lại nhận ra vùng đất đảo Phú Quý quê hương mình là đẹp nhất. Vì thế, tôi dặn con cháu cố gắng đưa tôi về nơi "chôn nhau, cắt rốn" để được nằm xuống trên vùng đất Mẹ thiêng liêng này…", bác Hai Hùng tâm sự.

Bác Trần Thanh Phong- người chăm lo nhang đèn tại đền thờ thầy Sài Nại cho biết, người dân trên đảo Phú Quý rất tỏ lòng kính trọng người đi trước. Bởi thế dù đã trải qua hơn 300 năm tồn tại, đền thờ thầy Sài Nại được các thế hệ người dân trên đảo thay nhau chăm sóc, trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa.

Cũng theo bác Phong, lễ cúng thầy Sài Nại diễn ra vào 4/4 Âm lịch hàng năm. Người dân trên đảo còn gọi ngày này lễ Giao phiên kỵ Thầy nên bà con về đến dâng lễ cúng rất đông. Đây là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng lớn nhất của người dân trên đảo. 

Lễ này có những nghi thức cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển, nhằm nguyện cầu cho trời yên biển lặng, quốc thái dân an…

Thầy Sài Nại, một nhà địa lý người Hoa khi qua đời được người trên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận lập đền thờ  - Ảnh 2.

Người dân đảo Phú Quý dâng mâm cơm cúng theo phong tục trước đền thờ thầy Thài Nại. Ảnh: Bùi Phụ

Không riêng gì bác Phong, mà nhiều người dân trên đảo Phú Quý đều có chung nhận định là thầy Sài Nại đã được người dân trên đảo kính trọng, tôn thờ trong nhiều thế kỷ qua và được coi là một trong những vị thần hiển linh nhất gắn chặt với niềm tin và tín ngưỡng của cộng đồng người dân trên đảo qua nhiều thế hệ.

Clip: Di tích lịch sử - Văn hoá Đền thờ thầy Sài Nại. Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường

Thầy Sài Nại bốc thuốc chữa bệnh cho ngư dân

Theo truyền thuyết và lời các vị lớn tuổi trên đảo Phú Quý, thầy Sài Nại vốn là một thương gia người Hoa. Đoàn tàu của thầy Sài Nại tình cờ ghé đảo Phú Quý để tránh trận bão. 

Thời gian lưu trú trên đảo, thầy Sài Nại thường ghé thăm và học hỏi những kinh nghiệm hay từ Công chúa Bàn Tranh (Công chúa người Chăm bị vua cha đày ra đảo sống). 

Sau đó hai người kết nghĩa chị em. Dần dần về sau, thầy Sài Nại sinh sống trên đảo và làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp dân đảo. Sau khi mất, thầy Sài Nại được người dân chôn cất vào năm 1665.

Thầy Sài Nại, một nhà địa lý người Hoa khi qua đời được người trên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận lập đền thờ  - Ảnh 3.

Bác Trần Thanh Phong- người chăm lo nhang đèn tại đền thờ thầy Sài Nại. Ảnh: Bùi Phụ

Đầu thế kỷ 17, người dân trên đảo bắt đầu xây dựng đền thờ thầy Sài Nại. Tính đến nay đã trải qua hơn 300 năm tồn tại, nơi đây quy tụ nhiều nét đặc sắc từ kiến trúc đến những nghi thức thờ cúng.

Theo quan sát của chúng tôi, đền thờ thầy Sài Nại nằm dưới chân ngọn núi Cao Cát và nhô ra phía biển. Đền thờ gồm có cổng chính, võ ca, chính điện, bình phong.

Du khách đến đây có thể tham quan, ngắm cảnh thư giãn. Bởi bên cạnh đền thờ là một vùng biển xanh lộng gió và gần đó là một làng chài hoạt động rất nhộn nhịp…

Thầy Sài Nại, một nhà địa lý người Hoa khi qua đời được người trên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận lập đền thờ  - Ảnh 4.

Đền thờ thầy Sài Nại. Ảnh: Bùi Phụ

Điểm đến hấp dẫn bên đền thờ thầy Sài Nại

Kế bên đền thờ thầy Sài Nại là một điểm đến rất hấp dẫn các bạn trẻ hiện nay là hiện nay là hồ cá bỏ hoang

Có thể nói, đây là địa điểm độc đáo dù chưa có một cái tên cố định bởi có người gọi là "ao cá Làng Dương" nhưng cũng có người lại gọi là "đập Gành Hang", thậm chí người dân địa phương còn không đặt tên cho địa điểm này mà gọi đơn giản là "ao cá bỏ hoang".

Khu vực hồ cá bỏ hoang này có cực nhiều góc đẹp để giới trẻ khám phá, chụp ảnh, sống ảo...

Nhiều người dân địa phương cho biết, khu vực này trước đây được người dân trên đảo dùng xây dựng để nuôi cá - mực. Sau đó do không còn sử dụng, gặp lúc nước biển dâng tràn, tạo thành những hồ cá nhỏ như một chuỗi bể bơi với hình thù độc đáo nằm trên mặt biển. 

Chính những dãy tường bao quanh hồ cá, tạo nên khung cảnh kỳ lạ và hấp dẫn giống như những đấu trường La Mã xưa. Du khách đứng tại đây có thể chụp ảnh cả ngày mà không chán…

Thầy Sài Nại, một nhà địa lý người Hoa khi qua đời được người trên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận lập đền thờ  - Ảnh 5.

Hồ cá bên đền thờ thầy Sài Nại trở thành điểm đến hấp dẫn của giới trẻ. Ảnh: Bùi Phụ

Tình cờ, chúng tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ đến từ Đà Lạt ( Lâm Đồng) đang ngắm hoàng hôn bên những dãy tường của hồ cá.

Hồi sáng, tụi em đã ngắm bình minh trên vùng biển này rồi nhưng không chán nên chiều nay tiếp tục ra đây ngắm hoàng hôn. Đứng trước vùng biển bao thấy mặt trời dần dần bị biển nuốt xuống chậm chậm, để lại  một vùng biển nhuộm màu hoàng hôn khiến trong lòng chúng em dâng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khung cảnh ở đây tuyệt đẹp và lần tới, tụi em sẽ trở lại để làm bộ ảnh cưới…", bạn Thành Nam chia sẻ.

Xung quanh khu vực này, có nhiều nhà hàng hải sản rất tươi và ngon. Nếu bụng cồn cào, du khách ghé vào và tự tay lựa cho mình những cá – mực tươi nhất để đầu bếp nhà hàng chế biến…

Về giá cả, du khách yên tâm, người dân trên đảo bán đúng giá chứ không có chuyện "chặt chém"…

Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích Lịch sử Văn hóa

img

Bên trong đền thờ thầy Sài Nại nhìn ra cổng. Ảnh: Bùi Phụ

Trải qua hơn 300 năm tồn tại, được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt của các làng trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn bảo lưu, gìn giữ đến hôm nay UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích Lịch sử Văn hóa Cấp Tỉnh tại Quyết định số 1993/QĐ-UBND ngày 07/9/2010.