Dân Việt

Nhiều ý kiến trái chiều về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Bỏ hay không bỏ khi đã thu của người tiêu dùng 300 đồng/lít?

PVKT 02/11/2022 15:45 GMT+7
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi) chiều ngày 2/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, mặc dù tại dự thảo Luật Giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do đó, Chính phủ báo cáo cụ thể Quốc hội về vấn đề này.

Theo đó, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá (được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, sau đó là Nghị định 83/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 95/2021/NĐ-CP).

Thu trước 300 đồng/lít của người tiêu dùng để tạo Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu băn khoăn bỏ hay không bỏ? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Khác với các quỹ tài chính khác, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung.

Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá.

Thực tế việc quy định tại Luật Giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng cho biết, đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Tại Báo cáo số 463-ĐGS ngày 22/10/2019 của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, tuy chưa kiến nghị bỏ quỹ nhưng cũng có nêu về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã không còn phù hợp.

Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia thì cũng có nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới. Trên cơ sở đó, tại dự thảo gửi lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng, có đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng trình bày.

Trong suốt thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.

Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một "bước đệm" nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy, trong thời gian vừa qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết.

Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo luật quy định 4 biện pháp bình ổn giá có thời hạn gồm điều hòa, kiểm soát cung cầu; các biện pháp về tài chính, tiền tệ; quy định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá; áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ý kiến trái chiều của đại biểu Quốc hội về Quỹ Bình ổn xăng dầu

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì cho rằng quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc bỏ quỹ là chưa phù hợp.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì tại một số thời điểm, quỹ bình ổn đã phát huy vai trò "điều hòa", giảm biên độ biến động giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng đề nghị cần phải đổi mới theo hướng: Việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường; Việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa. Trong tổ chức thực hiện cần tăng cường trách nhiệm quản lý; đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Thu trước 300 đồng/lít của người tiêu dùng để tạo Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu băn khoăn bỏ hay không bỏ? - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Dù vậy, vẫn có số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì các lý do.

Thứ nhất, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành; người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng quỹ.

Hai là, việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Ba là, trên thực tế, khi thời điểm giá xăng dầu tăng cao, quỹ bị âm thì doanh nghiệp vẫn phải chi, thậm chí vay ngân hàng bù vào; còn khi giá xăng dầu thế giới xuống thấp thì giá xăng dầu trong nước lại giảm chậm do phải trích lập quỹ, bù đắp cho phần quỹ âm trước đó, làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Bốn là, trường hợp cần điều tiết giá xăng dầu, nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Đó cũng là công cụ điều tiết chủ yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng.

Cuối cùng, việc quy định chung chung là quỹ bình ổn giá như trong dự thảo luật có thể chưa chặt chẽ, dẫn đến phát sinh các quỹ khác.

Cũng có ý kiến đề nghị trong trường hợp cần thiết duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, chỉ nên quy định 01 khoản tại Điều 72 của dự thảo luật về chuyển tiếp, không nên quy định thành điều khoản riêng như dự thảo Luật Giá.