Theo số liệu của giới chức Hàn Quốc, số người thiệt mạng trong vụ việc tối 29/10 tại Itaewon đã lên tới 156 người, Yonhap cho biết. Phần nhiều trong số các nạn nhân là những người trẻ tuổi tham gia lễ hội Halloween sau hai năm đại dịch.
Giới chức Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra về vụ việc. Cả lực lượng cảnh sát, thị trưởng Seoul tới Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo đã thừa nhận trách nhiệm liên quan tới thảm kịch này.
“Công thức dẫn đến thảm họa là: Các đám đông quá đông đúc và không được quản lý, cộng với một con đường rộng bị thu hẹp lại”, giáo sư Edwin Galea, chuyên gia về hành vi đám đông tại Đại học Greenwich (Anh), nói với Guardian.
Những nhân tố được giáo sư Galea đề cập điều hiện diện tại khu Itaewon của Seoul vào tối định mệnh 29/10. Một khi mật độ đám đông vượt quá mức 4 người/mét vuông, đặc biệt nếu con số này đạt mốc 6 người/mét vuông, khả năng xảy ra tại nạn tăng vọt, ông nhân định.
Một sự cố đám đông chèn ép (crowd crush) xảy ra khi quá nhiều người tập trung vào một không gian kín - ở lối vào hoặc lối ra. Mọi người có thể bị chèn ép đến mức không thể bơm phồng phổi để thở, điều có thể khiến họ ngạt thở sau đó.
Thông thường, những người thiệt mạng trong sự cố là những người bị ép vào tường. Bất chấp đám đông hành xử bình tĩnh thế nào, nếu lối ra chật hẹp, mọi người chỉ có thể thoát đi với tốc độ hạn chế.
Ông John Drury, chuyên gia về tâm lý xã hội và quản lý đám đông tại Đại học Sussex (Anh), cho biết các thảm họa xảy ra với đám đông thường đến từ ba nguyên nhân có liên quan đến nhau: mật độ người cao, các làn sóng dịch chuyển và việc nhiều người cùng ngã xuống. Nếu có một vật cản, tác hại sẽ càng thêm trầm trọng.
“Ấn tượng của tôi là mọi nhân tố đều tồn tại ở Itaewon vào đêm hội Halloween đó”, ông nói. “Đầu tiên, rõ ràng mật độ đã vượt quá 5 người/mét vuông, điều rất nguy hiểm. Thứ hai, có các làn sóng người khiến mọi người không đứng vững. Khi mật độ quá đông, chỉ một di chuyển nhỏ cũng có thể lan truyền qua đám đông và gây ra thêm áp lực”.
“Thứ ba, tôi hiểu rằng nhiều người đã ngã liên hoàn - một số người ngã xuống, trong khi những người khác ngã lên họ”, vị chuyên gia nhận định, chỉ ra thêm không gian xung quanh khiến các nạn nhân “bị ép vào từ hai bên”.
Theo ông Drury, những người tham gia sự kiện dường như không nhận thấy nguy cơ này. “Những người bước vào đám đông không thể thấy mật độ ở mức nguy hiểm trước mặt”, ông nói. “Mọi người tìm kiếm, chịu đựng và tận hưởng mật độ ở mức nguy hiểm ở nhiều sự kiện đông người”.
Theo giới chuyên gia, điểm mấu chốt nằm ở việc kiểm soát đám đông trong những sự kiện quy mô lớn.
Giáo sư Galea và các cộng sự tại Đại học Greenwich đã sử dụng các thí nghiệm hành vi và mô hình toán học để hiểu cách đám đông di chuyển trong những tình huống khác nhau. Mục đích của họ là ngăn chặn mật độ người lên đến mức nguy hiểm.
Giáo sư G Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông tại Đại học Suffolk (Anh), nhận định vấn đề này hoàn toàn không phức tạp. Một kế hoạch tốt bao gồm nhiều điều khá đơn giản: Hiểu rõ giới hạn đám đông, các tuyến đường, khu vực diễn ra sự kiện, xu hướng di chuyển của mọi người và theo dõi mật độ đám đông vào thời điểm đó.
Giáo sư Still thường đưa ra khuyến cáo với các kiến trúc sư, cảnh sát và đơn vị tổ chức về cách đối phó với các sự kiện đông người. Ông khẳng định thảm họa hoàn toàn “có thể ngăn chặn, có thể dự đoán và có thể tránh được”.
Theo giáo sư Galea, việc sử dụng cụm từ “vụ giẫm đạp” (stampede) để mô tả vụ việc tại Seoul là điều không hoàn toàn chuẩn xác.
“’Giẫm đạp’ không chỉ là một từ sai, nó còn phần nào đổ lỗi cho các nạn nhân hành xử thiếu lý trí, tự gây hại, không suy nghĩ kỹ hay không quan tâm những người xung quanh”, vị chuyên gia nói. “Từ này tạo ra ấn tượng rằng đó là đám đông ngu ngốc chỉ nghĩ đến mình và sẵn sàng giẫm lên người khác”.
Vị giáo sư cho rằng giới chức mới là những người chịu trách nhiệm nhiều nhất do sự kém cỏi từ khâu lên kế hoạch tới kiểm soát.
“Thực tế là họ chỉ bị đè lên bởi những người không còn lựa chọn nào khác. Những người có thể lựa chọn không biết điều gì đang xảy ra, vì họ ở quá xa tâm chấn vụ việc”, ông nói.
Đồng quan điểm, giáo sư Still cho rằng thuật ngữ “giẫm đạp” có thể khiến các nạn nhân bị đổ lỗi oan.
“Mọi người không chết vì hoảng loạn, họ hoảng loạn vì sắp chết”, ông nói với Washington Post.
Mục Thế giới giới thiệu sách nên tham khảo về tình hình Hàn Quốc, tựa đề “Khái luận về kinh tế - chính trị Hàn Quốc” của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản vào năm 2016.
Cuốn sách bao quát nhiều lĩnh vực phát triển khác nhau về Hàn Quốc, trong đó tập trung vào 3 nội dung chính gồm hiện đại hóa nền kinh tế, dân chủ hóa nền chính trị và toàn cầu hóa ngoại giao Hàn Quốc. Cuốn sách giới thiệu một cách hệ thống, vừa cơ bản vừa cụ thể về các đặc điểm, đặc trưng và các bước chuyển đổi mang tính lịch sử ở các lĩnh vực chính yếu của Hàn Quốc.