Theo chị Vũ Thị Kim Hạnh (Mễ Trì Hạ, Q.Nam Từ Liêm) tình trạng người dân rồng rắn xếp hàng đổ xăng gần đây diễn ra phổ biến tại khu vực Mễ Trì Hạ, nhất là thời gian cao điểm hoặc hôm trước khi điều hành giá xăng dầu.
Một số cây xăng có 3 cột bơm xăng, song chỉ bơm 1 cột nhằm hạn chế xăng bán ra. Điều đáng nói, trong ngày 2/11, dù cho giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hơn 400 đồng/lít xăng và mặt hàng dầu cũng tăng gần 300 đồng/lít, nhưng rất nhiều cây xăng ở Hà Nội vẫn bán nhỏ giọt.
Tại cây xăng thuộc hệ thống của Công ty CP Đầu tư phát triển thương mại và dịch vụ Trường Thịnh, cửa hàng xăng dầu Mỹ Đình, phường Phú Đô, Q.Nam Từ Liêm trong ngày 31/10 như phản ánh của Dân Việt, cây xăng tại đây đóng cửa nghỉ bán với lý do hết xăng. Trong ngày 1/11 và 2/11 cây xăng này bán trở lại nhưng vẫn tình trạng lúc bán lúc không hoặc bán với số lượng rất ít.
Nhân viên cây xăng cho biết, hiện xăng dầu doanh nghiệp không nhập về được do hết hàng nên phải bán thu hẹp. Hiện giá xăng tăng hơn so với trước song cũng không đủ bù đắp giá của các đầu mối, thương nhân, chính vì vậy, các đại lý cũng không thể làm gì hơn.
Trong tình cảnh phải đi vài km để đổ xăng, chị Mai Thị Thu (Cầu Giấy) cho biết: Ở những cây xăng lớn nằm trên trục đường chính, vào giờ cao điểm dù không hết xăng nhưng nhiều người đổ, mà cây xăng chỉ có 1 đến 2 cột xăng mở, rất bất tiện và gây ức chế cho người dân.
Tại cây xăng số 8 Mipeco trên đường Nguyễn Phong Sắc, cây xăng có 4 cột đổ xăng song nhiều thời điểm chỉ có hai cột bơm xăng hoạt động, dòng người xếp hàng dài tràn ra lòng đường, cảnh chen chúc nhau đổ xăng gây phản cảm, bất tiện cho người dân.
Hiện nay, có nhiều ý kiến xung quanh việc doanh nghiệp đầu mối không cấp bán xăng dầu cho đại lý hoặc tổng đại lý vì lý do lỗ giá từ quý II, điều này khiến nguồn sơ cấp bị thiếu hụt. Các chuyên gia, và ngay cả nhà quản lý tại Bộ Công Thương hiện cũng chưa có phương án xử lý dứt điểm tình trạng này.
Mới đây, Bộ Công Thương nêu lý do tình trạng doanh nghiệp thiếu xăng là do giá xăng dầu thế giới có diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng. Bên cạnh đó, là do doanh nghiệp thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.
Theo giới chuyên gia và các đại lý xăng dầu, tăng giá điều hành không thể giảm thiểu tình trạng đại lý treo biển hết xăng, vấn đề mấu chốt của hết xăng dầu là ở việc đại lý không mua được xăng dầu do giá tổng đại lý, thương nhân phân phối bán cao hơn giá điều hành của liên Bộ hoặc bán hết chiết khấu.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam từng đề nghị được lấy Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bù lỗ cho doanh nghiệp xăng dầu. Cụ thể, tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với 31 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngày 23/10 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, phân tích nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là trong quý III.
Ông Bảo cho rằng, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm, năm 2022 sản lượng bị thiếu hụt.
Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lấy Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bù trừ trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước, nhằm triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước. Theo ông Bảo, điều này để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ.
Về quản lý xăng dầu, mới đây tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, trong đó "giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý". Ý tưởng này của Bộ trưởng Bộ Tài chính lập tức nhận được sự tán thành của giới chuyên gia, nhà quản lý và cả Chính phủ. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, với tinh thần chung là quy về một đầu mối quản lý phù hợp tình hình. Như vậy, nhiều khả năng, việc Bộ Công Thương quản lý toàn diện từ giá, vận hành và cơ chế liên quan đến mặt hàng xăng dầu sẽ sớm được thực hiện.
Theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc, kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh cho biết: "Giao toàn diện xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý thì Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm chung, cùng với giá và nguồn cung. Chịu trách nhiệm, không chịu ràng buộc từ các Bộ ngành khác, không phân tâm xin cơ chế, chính sách và ý kiến của các cơ quan khác để đưa ra các quyết định về nguồn cung, nhập thế nào, dự trữ bao nhiêu, phân giao đầu mối ra sao... Tất cả đều nằm trong tay quản lý của Bộ Công Thương".
Chuyên gia thị trường, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh.
Ông Thoả cho rằng, giải pháp trước mắt là sửa đổi Nghị định 95 để nhanh chóng đưa việc quản lý xăng dầu về tay Bộ Công Thương nhằm giải quyết những vướng mắc, phát sinh, không thể để tình trang thiếu xăng dầu, đóng cửa lan ra cả nước như hiện nay.