Theo chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực thanh tra từ sáng ngày 5/11.
Trao đổi với PV Dân Việt bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, lĩnh vực thanh tra được rất nhiều ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm. Nhất là việc thanh tra phải làm sao góp phần tích cực cho việc chống tiêu cực, lãng phí và thu hồi được tài sản tham nhũng do đối tượng tham nhũng gây ra. Đây là một vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm.
Theo đại biểu, năm 2022 thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ, tuy nhiên mức độ chưa cao. Việc này, trong báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến chất vấn tại kỳ họp, Thanh ra Chính phủ cũng cho biết, mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp, là một trong những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta hiện nay. "Do đó, nội dung này sẽ được các đại biểu rất quan tâm và chất vấn", ông Hòa nói.
Đại biểu Đoàn Đồng Tháp cũng quan tâm và dự kiến chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về vấn đề trong công tác thanh tra. Ông nêu vấn đề: Có khi lần thanh tra trước không phát hiện tiêu cực nhưng thanh tra sau lại phát hiện thì xử lý việc thanh tra trước ra làm sao, thậm chí lần thanh tra trước họ làm đúng quy trình, phát hiện sai phạm lại giơ cao đánh khẽ, "phớt lờ" sai phạm, nhưng đến lần thanh tra sau mới phát hiện.
"Như vậy phải có biện pháp xử lý đoàn thanh tra này, đặc biệt là trưởng đoàn thanh tra đã cố tình bao che để đảm bảo việc thanh tra của Nhà nước là công bằng, hợp lý, vô tư và không tiêu cực", Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói.
Sốt ruột trước tình trạng lãng phí xảy ra ở nhiều địa phương cũng như các bộ, ngành, trong đó lớn nhất là ở các công trình, dự án trọng điểm, đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, ông sẽ nghiên cứu để đăng ký chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc giám sát để có một giải pháp hữu hiệu hơn, có sự chuyển biến trong thời gian tới.
Đại biểu cho rằng, thực tế, tình trạng lãng phí ở các công trình, dự án trọng điểm đã được đại biểu nêu lên rất nhiều ở các kỳ họp trước. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lãng phí đã được chỉ ra, trong đó chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chính.
Tuy nhiên ở kỳ họp lần này, qua chất vấn, đại biểu mong muốn kết quả chất vấn và trả lời chất vấn phải đạt được hiệu quả thiết thực, nghĩa là phải tạo được sự chuyển biến tích cực. Đây cũng là điều mà đại biểu Võ Mạnh Sơn kỳ vọng trong việc cải tiến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, là sau chất vấn có thể tạo ra chuyển biến, hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Cũng quan tâm đến lĩnh vực thanh tra, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề thanh tra, kiểm tra: "Chất lượng các cuộc thanh tra làm sao cần thực chất, ai thanh tra, ai kiểm toán là vấn đề cần làm rõ. Chúng ta cần nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khi thanh tra phải công khai được kết luận", đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng và cho rằng, thời gian qua cử tri và nhân dân đã thấy được sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản sau các cái vụ tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Cử tri, đại biểu Quốc hội mong muốn Thanh tra Chính phủ cùng bộ, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương thức, các thức phù hợp nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo những vụ án, kết luận thanh tra thực sự là hiệu quả.
Theo báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thanh ra Chính phủ chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng của thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp.
Thứ nhất, một số quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra để bảo đảm cho việc thu hồi tiền, tài sản theo kết luận thanh tra được hiệu quả.
Thứ hai, số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án hoặc đối tượng thanh tra không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; Có những trường hợp cố ý chây ì hoặc trốn tránh việc thực hiện, hoặc không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thi hành án và cơ quan thanh tra thu hồi.
Thứ ba, thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc kéo dài, thời điểm xử lý vi phạm cách xa thời điểm có hành vi vi phạm dẫn đến tài sản dễ bị tẩu tán, che giấu.
Thứ tư, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án và xử lý sau thanh tra, nhất là các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán ....
Thứ năm, có những trường hợp pháp lý của tài sản chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu để thu hồi; trong một số vụ án, vụ việc vẫn xảy ra việc đối tượng bỏ trốn; việc phối hợp trong tương trợ tư pháp hình sự và thực hiện kết luận thanh tra gặp nhiều khó khăn.