Cựu ĐBQH Lê Như Tiến: "Cấp thiết thu hồi tài sản tham nhũng trong tình hình dịch bệnh"
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến: "Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc thu hồi tài sản tham nhũng càng cấp thiết"
Quỳnh Nguyễn
Thứ năm, ngày 09/09/2021 07:00 AM (GMT+7)
Theo ông Lê Như Tiến, thu hồi tài sản tham nhũng là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc thu hồi tài sản tham nhũng càng trở nên cấp thiết để có thêm nguồn lực phục vụ công tác chống dịch và an sinh xã hội, quốc phòng an ninh...
Mới đây, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã có phiên họp mở rộng để cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Chính phủ (kỳ báo cáo từ 1/10/2020 - 31/7/2021).
Về việc thu hồi tài sản tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho biết, số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là trên 33.000 tỉ đồng. Tới thời điểm báo cáo, đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được mới chỉ dừng ở con số hơn 2.000 tỉ đồng, tức là chưa tới 10%.
Báo cáo cũng nhận định, việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại. Vẫn còn có địa phương trong năm không phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Quy định pháp luật còn lỗ hổng
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: Con số thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức 10% trong Báo cáo Chính phủ thực sự gióng lên hồi chuông báo động.
Theo ông Lê Như Tiến, chống tham nhũng là phải thu hồi lại triệt để tài sản bị tham nhũng chứ không chỉ tuyên phạt tù.
"Tài sản tham nhũng của nhà nước là từ mồ hôi nước mắt, công sức lao động của người dân. Suy cho cùng phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải thu hồi được tài sản đã tham nhũng, đây là ưu tiên hàng đầu", ông Tiến nêu quan điểm.
Ông Tiến đánh giá, nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó vì quy định pháp luật còn lỗ hổng. Việc điều tra, xử lý các vụ án về kinh tế, tham nhũng có sự phối hợp liên ngành, mỗi khâu làm chậm một chút chính là điều kiện để cho kẻ tham nhũng kịp thời tẩu tán tài sản ra nước ngoài, lấy tên con cháu trong gia đình, họ hàng...
Thậm chí, nếu không kịp thời xử lý thì không chỉ tài sản tham nhũng không được thu hồi mà tội phạm tham nhũng cũng "cao chạy xa bay", trốn ra nước ngoài, chúng ta mất thời gian truy bắt, đó là mối nguy hại kép.
Ông Tiến cũng cho biết, nhiều biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng đã có trong Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta làm chưa nghiêm nên tội phạm tham nhũng lợi dụng sơ hở đó để "cao chạy xa bay" hoặc kịp thời tẩu tán tài sản ra nước ngoài, chuyển dịch tài sản đi nơi khác... đó chính là nguyên nhân khó thu hồi tài sản tham nhũng.
Vì vậy, khi phát hiện tham nhũng các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc ngay, kịp thời phong toả, kê biên tài sản để tội phạm không kịp tẩu tán thì mới có thể thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước.
"Trong bối cảnh Covid-19, việc thu hồi tài sản tham nhũng càng trở nên cấp thiết để có thêm nguồn lực phục vụ công tác chống dịch và an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Cho nên, chúng ta phải triệt để thu hồi tài sản do tham nhũng", ông Tiến nhấn mạnh.
"Tài sản tham nhũng không phải cây kim, sợi chỉ mà không biết"
Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cũng nêu rõ, hiện nay còn 12 đại dự án "đắp chiếu" nằm đó gây thất thoát hàng nghìn tỷ như dự án gang thép Thái Nguyên, Ethanol Phú Thọ... đến nay chưa thu hồi được tài sản. Nếu làm nghiêm để thu hồi được tài sản thất thoát thì chắc chắn ngân sách nhà nước sẽ có thêm khoản để phục vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Ông Lê Như Tiến cho rằng, trong Luật Tố tụng hình sự, Luật phòng chống tham nhũng, Luật cán bộ, công chức còn những điểm chưa thật chặt chẽ về việc thu hồi tài sản. Muốn thu hồi được phần lớn tài sản tham nhũng thì trước tiên phải lấp đầy những "lỗ hổng" đó.
"Năm nào công chức cũng kê khai tài sản nhưng rất khó để kiểm soát việc kê khai đó đã trung thực hay không. Có những người có 5,7 căn nhà nhưng họ chỉ kê khai có một căn, tài sản rất nhiều nhưng kê khai một phần rất nhỏ.
Theo tôi, cần có cơ chế để kiểm soát tài sản kê khai, kê khai tài sản phải đi kèm kiểm soát tài sản của cán bộ công chức. Tài sản không phải cây kim, sợi chỉ mà không biết. Người dân nơi cán bộ cư trú, rồi cơ quan nơi cán bộ đó công tác đều biết tài sản của cán bộ gia tăng như thế nào. Việc kê khai tài sản đôi khi chúng ta vẫn làm cho có, chưa đánh giá thực chất", ông Tiến nói và cho rằng cần sớm có các chế tài kiểm soát tài sản của cán bộ công chức để khi họ có dấu hiệu tham nhũng, việc thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện nhanh, triệt để.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021 đã có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, có 16 người đứng đầu bị xử lý hình sự; 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.