Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các Hội nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025 tại 2 tỉnh là Thừa Thiên Huế và tỉnh Kiên Giang.
Tham gia hội nghị có lãnh đạo Bộ LĐTBXH các địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các sở LĐTBXH thuộc 39 tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, hiện Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao dự toán kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung năm 2022.
Hiện nay trong các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực GDNN được phê duyệt có 3 tiểu dự án (DA). Cụ thể, tiểu DA 1: "Phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn" thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của tiểu DA này là phát triển GDNN về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo, gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối tượng tham gia là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp...
Với tiểu DA 2 về "Phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) thuộc CTMTQG phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ là mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN, góp phần dịch chuyển cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN.
Đối tượng tham gia tiểu đề án này là người lao động dân tộc kinh và vùng đồng bào DTTS và MN thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định số 861.
Bên cạnh đó tập trung vào các hoạt động, như xây dựng các mô hình đào tạo nghề; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động vùng đồng bào DTTS và MN để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm; tăng cường trang thiết bị, phương tiện dạy nghề; tuyên truyền hướng nghiệp, khởi nghiệp...
Về DA 3 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đề cập nội dung "Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu thị trường; hỗ trợ thúc đẩy, phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn". Mục tiêu có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí về thu nhập; 95% số xã đạt chuẩn tiêu chí về lao động...
Quá trình thảo luận, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, rào cản trong quá trình triển khai các dự án. Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, khó khăn đầu tiên là do đối tượng, địa bàn tại 3 CTMTQG có tính chất tương tự; trên một địa bàn có thể thụ hưởng kinh phí từ nhiều CTMTQG khác nhau.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ về GDNN giai đoạn 2021 - 2025, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đã xây dựng, đề xuất các Tiểu dự án, nội dung thành phần về GDNN tại 03 CTMTQG và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số: 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021, Quyết định số: 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 và Quyết định số: 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022.
Mặt khác một số địa phương chưa nắm rõ về đối tượng, nội dung, hoạt động của các Tiểu dự án, nội dung thành phần nên việc xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện hàng năm và cả giai đoạn còn chưa sát thực tế, bảo đảm đúng đối tượng, phạm vi, nội dung thực hiện.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh có một số nội dung mới sẽ được triển khai trong giai đoạn này, như: Xây dựng các mô hình đào tạo kết nối doanh nghiệp; Thí điểm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động; Thí điểm xây dựng mô hình bảo đảm chất lượng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo yêu cầu về kỹ năng nghề trong tương lai... các địa phương cần lưu ý trong triển khai.
"Ngoài ra, việc bố trí, xác định tỷ lệ kinh phí cho các hoạt động của các Tiểu dự án gặp nhiều khó khăn. Hiện một số Dự án, Tiểu dự án từ nguồn vốn đầu tư công phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đầu tư công nên cũng mất thời gian, bên cạnh đó, việc phân bổ vốn, ban hành văn bản hướng dẫn chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình", ông Dũng nói thêm.
Kết luận Hội nghị, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đã nhấn mạnh mỗi CTMTQG trong giai đoạn 2021-2025 đều có vai trò, sứ mệnh riêng, tuy nhiên lại có mối quan hệ hữu cơ rất chặt chẽ với nhau. Đối với các nội dung bất cập, vướng mắc, đề nghị Tổng cục GDNN tổng hợp, giải đáp, tháo gỡ, để triển khai thực hiện trên toàn quốc. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan để có hướng dẫn cụ thể với tinh thần nhanh nhất, khẩn trương nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai.
Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các địa phương, đơn vị tham gia triển khai các nội dung về GDNN trong 3 CTMTQG tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy định về đối tượng, phạm vi thực hiện, quy trình thực hiện… để triển khai hiệu quả các Chương trình với tinh thần chủ động, mạnh dạn và tích cực.
Tổng cục cũng đề nghị các Sở LĐTBXH hội tập trung, bám sát và phát huy vai trò của ngành LĐTBXH trong việc chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh trong triển khai, điều phối thực hiện. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí. Tổng cục GDNN cũng thông tin sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thêm về những cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng, tổ chức đào tạo, chế độ làm việc, chính sách đối với các doanh nghiệp khi tham gia công tác đào tạo nghề...