Cơ sở giáo dục nghề nghiệp "khăn gói" đi tuyển sinh và kết quả là...

Thùy Anh Thứ năm, ngày 10/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Bước vào mùa tuyển sinh, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã phải "khăn gói" đến tận các trường THCS và THPT để tư vấn tuyển sinh. Tuy vậy, hiệu quả của các hoạt động này gần như bằng không.
Bình luận 0

Phân luồng, hướng nghiệp: Chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa"

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã có đề án 522 phân luồng cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên sau hơn 3 năm triển khai công tác này gặp nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu cốt lõi là tăng tỷ lệ học sinh sau học THCS và THPT đi học tại các cơ sở GDNN hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đạt tỷ lệ.

Nguyên nhân được chỉ ra là các chương trình phân luồng còn chưa chất lượng, việc phối hợp trong công tác phân luồng giữa các trường THPT, THCS với các cơ sở GDNN chưa thật nhịp nhàng, đồng bộ. 

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng suốt một thời gian dài các trường CĐ, trung cấp thuộc cơ sở GDNN phải "khăn gói" đi tuyển sinh thế nhưng hiệu quả tuyển sinh GDNN lại chưa đạt như mong đợi, thậm chí hiệu quả bằng không.

"Nói hiệu quả bằng không là không sai bởi vì thực tế khi chúng tôi đi tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT hay THCS số hồ sơ nhận được là không có. May ra, có vài học sinh còn nhớ được tên trường vừa giới thiệu vì mỗi buổi tư vấn như vậy có tới 5-7 trường, có khi là cả chục trường cùng nói. Mỗi lần tư vấn, giới thiệu cũng chỉ có từ 7-10 phút". ông Ngọc nói.

tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh GDNN

Các cơ sở GDNN cho rằng hiệu quả của các chương trình tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh tại các trường hiệu quả còn thấp. Ảnh: I.T

Nếu chỉ có 7-10 phút thì giới thiệu về trường cũng chưa xong, nói gì giới thiệu các ngành học hay tư vấn trả lời thắc mắc của học sinh. Chưa kể các trường về định hướng nghề nghiệp đông nhưng mạnh ai người ấy nói, có thể còn gây "tẩu hỏa" cho học sinh. Đây cũng là lý do khiến các em ít nắm bắt được thông tin về cơ sở GDNN không tìm thấy được ngành học phù hợp.

Để giải quyết nút thắt tuyển sinh và công tác phân luồng thì theo ông Ngọc cần phải làm tốt hơn công tác phối hợp, hỗ trợ. Cụ thể là Bộ GD&ĐT cần có cơ chế hỗ trợ các cơ sở GDNN khi vào các trường THPT tuyển sinh hay tư vấn tuyển sinh.

"Các trường tự chủ tuyển sinh, giáo dục ĐH tự chủ tuyển sinh?, thế còn thí sinh thì tự chủ gì khi mà các em vướng vào vòng xoáy thông tin đa chiều, đa màu sắc. Nhiều em thậm chí còn bị tẩu hỏa bởi tiếp cận quá nhiều thông tin, nhưng không có thông tin nào rõ ràng, cụ thể".

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

"Tại sao các trường GDNN lại phải chủ động đến các trường THCS hay THPT mà không phải là cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ. Ngay cả cuốn 'Những điều cần biết' Bộ GD&ĐT ban hành cũng không rõ ràng. Cuốn này có ghi thông tin của các trường ĐH, CĐ nhưng thực chất chỉ có CĐ sư phạm mà không có ghi rõ. Điều này khiến cho học sinh và phụ huynh không thể tiếp cận thông tin tuyển sinh về gần 2.000 trường CĐ thuộc hệ thống GDNN trong cả nước", ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cho rằng, câu chuyện học sinh đi học ầm ầm, nhưng thực chất chỉ có 1-2 học sinh học xong ĐH ra trường làm đúng ngành nghề? Số còn lại đi đâu, làm gì? Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lực quốc gia, nhân lực quốc gia. Để giải quyết được vấn đề này không có cách gì khác là mạnh tay hơn trong việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi các em ngồi trên ghế trường THCS và THPT.

Giải pháp nào để phân luồng và hướng nghiệp GDNN thật hiệu quả

Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy năm 2021, các cơ sở GDNN tuyển sinh được 1,896 triệu người, đạt khoảng 80% kế hoạch. Trong đó, trình độ trung cấp và cao đẳng khoảng 482 nghìn người. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,414 triệu người. Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 1,658 triệu người, đạt khoảng 80% kế hoạch. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%. Cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.

Năm 2022 mục tiêu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp là khoảng 2,25 triệu người, tăng khoảng 10% so với số thực hiện năm 2021. Trong đó, tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp là 501 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là khoảng 1,7 triệu người.

Dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn. Theo quan sát của phóng viên báo Dân Việt thì chỉ có một số ngành có "thương hiệu" là có khả năng tăng tốc tuyển sinh, tuyển đủ số lượng. Số còn lại thì gần như không có cơ hội.

tư vấn tuyển sinh

Nhiều trường THCS đã thực hiện tư vấn tuyển sinh, phân luồng học sinh nhưng kết quả đạt được chưa như mong đợi. Ảnh: Đ.D

Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh, ngoài việc về tận trường THPT tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội còn xây dựng phần mềm tư vấn tuyển sinh trực tuyến.

"Không có cách nào khác để làm tốt công tác tuyển sinh là xây dựng thương hiệu. Thương hiệu đến từ sự đánh giá của người học và xã hội (doanh nghiệp). Hàng năm phải nâng được sự hài lòng của doanh nghiệp và người học. Tỷ lệ học thất nghiệp phải bằng không, lương cao... chỉ cần làm được điều này thì hoạt động tuyển sinh sẽ đạt hiệu quả", ông Ngọc nói.

Và thực tế đúng như ông Ngọc nêu, hiện nay học sinh của trường đến từ 40 tỉnh, thành trong cả nước. Hầu hết các học sinh của nhà trường đều biết đến thông tin của trường qua người thân, quen hoặc học sinh cũ giới thiệu.

Tương tự, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật thủy hải sản Bắc Ninh - ngôi trường có thâm niên 60 năm với thương hiệu hàng đầu về đào tạo ngành thủy hải sản, nên cũng có những thuận lợi bước đầu trong tuyển sinh. 

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, thầy Trần Đình Diễn - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế Thủy sản Bắc Ninh cho biết, mặc dù trường thuộc ‘Top' đầu trong đào tạo ngành nông nghiệp nhưng nhiều năm qua nhà trường cũng phải lập nhiều đoàn đi hướng nghiệp, tuyển sinh tại các trường phổ thông. 

Nhờ có một thương hiệu mạnh nên năm 2021 nhà trường vẫn tuyển đủ học sinh dù các cơ sở GDNN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuyển sinh nhiều trường sụt giảm từ 30-40% học sinh. 

“Tới giờ này thì công tác tuyển sinh của nhà trường cũng mới bắt đầu nên chưa có kết quả. Tuy nhiên mục tiêu năm nay trường phải tuyển được 1.100 -1.200 học sinh. Dự kiến mùa tuyển sinh sẽ kéo dài từ tháng 5 tới hết tháng 8, có thể nhận hồ sơ tới hết tháng 12/2022”, thầy Diễn cho biết thêm. 

 Tuy nhiên, không phải cơ sở GDNN nào cũng có thương hiệu mạnh, đủ tốt để tuyển sinh. Đơn cử như trường CĐ Nghệ thuật Tây Bắc. Dù đã rất nỗ lực khăn gói đi tuyển sinh khắp vùng nhưng tỷ lệ học sinh đăng ký cũng khá hạn chế. Lý do là bởi “công tác phân luồng hướng nghiệp với học sinh ở đồng bằng đã khó 1 thì ở các trường miền núi lại khó 9-10”. 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Quốc Chiều - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghệ thuật Tây Bắc cho biết, thực sự. Nhiều khi trường đi hướng nghiệp cho các em cả tháng mà hiệu quả không đạt như mong đợi. 

“Năm học 2022-2023 nhà trường đặt chỉ tiêu tuyển đủ 250 học sinh, dù đã tuyển sinh xong nhưng vẫn chưa nắm chắc kết quả vì còn đợi xem các em có nhập học hay không?”, thầy Chiều nói. 

Trước đó, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà trường chỉ tuyển được gần 200 em, đạt khoảng 70% so với chỉ tiêu.

Nhiều thầy cô trực tiếp đi tuyển sinh cũng cho biết, hiện nay công tác tư vấn hướng nghiệp còn quá nhiều vấn đề. Hiệu quả của việc đăng ký tư vấn, phục vụ tuyển sinh phải tùy thuộc vào “quan hệ" giữa các trường. Quan hệ tốt, khéo đặt vấn đề thì sẽ được trường PTTH tạo điều kiện, còn không thì cũng phải xếp lịch khá lâu. Đây là rào cản ảnh hưởng tới sự công bằng trong việc hướng nghiệp cho các em học sinh, khiến nhiều em không tiếp cận được với ngành học, các cơ sở GDNN có chất lượng hàng đầu. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem