Làng lụa Vạn Phúc nức tiếng Hà Thành. Thực hiện: Phương Linh- Nguyễn Tùng.
Cách trung tâm Hà Nội 11 km về phía Tây Bắc, làng lụa Vạn Phúc với truyền thống từ lâu đã nổi tiếng bởi lịch sử lâu đời và đáng tự hào.
Không có tư liệu ghi rõ thời gian ra đời của làng Vạn Phúc nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nơi đây đã tồn tại từ thế kỷ thứ XIX, tức khoảng 1200 năm trước. Làng ban đầu có tên là Vạn Bảo nhưng vì kỵ húy liên quan tới nhà Nguyễn nên được đổi thành Vạn Phúc như hiện tại.
Cũng theo các thư tịch cổ và một số di vật lịch sử còn sót lại, có thể ngành dệt lụa tơ tằm của làng Vạn Phúc đã bắt đầu tồn tại từ khi làng mới xuất hiện. Tương truyền vào thế kỷ thứ XIX, bà A Lã Thị Nương, một người phụ nữ ở làng đã chính tay dạy dân cách trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa. Trải qua nghìn năm đổi mới phát triển, người dân làng lụa Vạn Phúc với tinh thần lao động cần cù và sáng tạo đã biến những tấm vải tơ tằm tưởng chừng bình thường ấy thành một di sản truyền đời.
Vải lụa tơ tằm Vạn Phúc có chất lượng và danh tiếng được tích lũy qua nhiều thế hệ. Không chỉ là thương hiệu được triều đình nhà Nguyễn yêu thích, sản phẩm được người dân nơi đây làm ra còn nhận được sự tán dương của bạn bè quốc tế và chính thức được xuất khẩu ra thế giới từ năm 1990. Giờ đây khi nhắc đến lụa tơ tằm Việt Nam, "lụa Vạn Phúc" luôn là lựa chọn sáng giá hàng đầu.
Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu mã đa dạng với khoảng 70 loại the, gấm, lụa, lĩnh cùng nhiều tên gọi mỹ miều khác nhau như: long phượng, băng hoa, tứ quế,… Dạo quanh làng, ngắm nhìn những tấm lụa tơ mềm mại trong cái gió thu, chúng tôi nhận ra những tinh hoa, vẻ đẹp sâu sắc của mỗi tấm lụa đều thấm đẫm tinh thần, tình cảm của nghệ nhân làm ra nó.
Không khang trang như những khu đô thị trong thành phố, cũng không đơn thuần một vẻ mộc mạc của vùng thôn quê, làng lụa Vạn Phúc dung hoà một vẻ đẹp vừa hiện đại, vừa mang màu sắc truyền thống của văn hóa làng Việt.
Kể từ năm 2018, làng đã được "khoác" lên mình một vẻ ngoài độc đáo, để lại ấn tượng khó quên cho mỗi du khách ghé thăm. Ở từng góc trên con đường vào Vạn Phúc đều được trang trí bằng những những tấm vải lụa hay chiếc ô treo lơ lửng đầy màu sắc. Đây được xem là vẻ đẹp mang tính biểu tượng, làm nổi bật lên nét thiết tha, duyên dáng của ngôi làng.
Đặc biệt nhất chính là con đường ô dù, nơi những chiếc ô sặc sỡ đủ màu sắc được người dân trong làng treo lơ lửng. Có thể nói, sự độc đáo của con đường này không chỉ đơn thuần nằm ở những chiếc ô mà nó còn góp phần làm nổi bật vẻ đẹp mang tính biểu tượng của làng, những tấm vải lụa tơ tằm Vạn Phúc đầy sắc màu.
Không chỉ vậy, để đáp ứng nhu cầu của du khách, làng Vạn Phúc còn có mở rộng thêm ba tuyến phố đi bộ gồm phố ẩm thực, phố lụa, phố sinh vật cảnh. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân và chính quyền địa phương, ngày càng nhiều thế hệ trẻ biết đến làng và có mong muốn được tham quan trải nghiệm, góp phần bảo tồn văn hoá làng nghề khỏi nguy cơ bị mai một.
Theo lời của một tiểu thương tại đây, hiện tại làng vẫn có hơn 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Sau giai đoạn Covid-19 khó khăn, việc kinh doanh, sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi và phát triển trở lại.
Hàng ngày, làng Vạn Phúc luôn sôi động bởi tiếng kêu "giòn giã" của những chiếc máy dệt lụa. Dẫu cơ sở vật chất của làng đã ngày càng văn minh, bắt kịp xu thế hiện đại nhưng sự cần mẫn, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây vẫn vẹn nguyên, không hề thay đổi qua hàng trăm năm.
Nếu có cơ hội, hãy ghé thăm làng lụa Vạn Phúc để trải nghiệm văn hoá làng nghề và đắm chìm trong vẻ đẹp cảnh sắc, con người của chốn "Hội An thu nhỏ" ngay ngoại thành Hà Nội.