Theo cơ quan công an, do mâu thuẫn trong việc chia quyền thừa kế đất, khoảng 9 giờ 30 phút ngày 30/10, 3 cô con gái của bà Đ. mang theo can xăng loại 10 lít đến nhà bà Đ. (tại xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đổ xăng xuống nền rồi đốt.
Tại đây, chị Đỗ Thị Điểm (sinh năm 1988, con gái thứ 2 của bà Đ.) đã đổ xăng xuống nền nhà gian phòng khách rồi châm lửa đốt cháy.
Hậu quả khiến 4 người bị bỏng, tài sản thiệt hại do bị đốt cháy khoảng 50 triệu đồng.
Lãnh đạo xã Trung Hòa cho biết bà Đ. sinh được 3 con gái và một con trai. Trước đó, gia đình đã thống nhất chia cho 3 cô con gái mỗi người một mảnh đất trong ngõ.
Mảnh đất ngoài mặt đường chia cho con trai. Các bên đã đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận. Sau đó, 3 con gái đến nhà bà Đ. đòi thêm một suất đất ở ngoài mặt đường. Bà Đ. không đồng ý, nên 2 bên nhiều lần xảy ra cãi vã.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ việc này, cơ quan điều tra khởi tố vụ án "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 là hoàn toàn có căn cứ và có thể sẽ sớm khởi tố bị can.
Bởi, hành vi của những người đã xâm phạm đến quyền được sống, là quyền cao quý nhất của con người, xâm phạm đến luân thường đạo lý, hành vi có dấu hiệu muốn tước đoạt tính mạng của chính mẹ đẻ của mình nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Về tội danh đã khởi tố trong vụ án này, luật sư Hòe cho biết, giết người là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.
Tội giết người xâm phạm quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người thông qua sự tác động làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, đó chính là con người đang sống.
Lỗi của người phạm tội giết người có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Cố ý trực tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhiều khả năng hoặc tất yếu làm nạn nhân chết nhưng vẫn mong muốn nạn nhân chết.
Lỗi cố ý gián tiếp giết người là lỗi trong trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể làm nạn nhân chết, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hoặc chấp nhận hậu quả nạn nhân chết.
Về hình phạt, luật sư Hòe cho biết, theo quy định tại Điều 123, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp như giết người dưới 16 tuổi; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Có tính chất côn đồ; Vì động cơ đê hèn…sẽ bị bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội không thuộc các trường hợp trên sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trong khi đó, người chuẩn bị phạm tội sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bị chứng minh có tội giết người, tùy tính chất mức độ mà 3 người con gái có thể đối mặt với các khung hình nêu trên.
Ngoài ra, theo luật sư Hòe, trong vụ việc này, nếu bị chứng minh có tội giết người, 3 cô con gái có thể đối mặt với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự theo đó là giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình (điểm đ, Điều 123).
Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp người phạm tội đã cố ý gây ra cái chết cho những người mà họ phải kính trọng, phải biết ơn, đó là ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình.
"Hành vi trên đã làm tăng đáng kể mức độ lỗi của người phạm tội so với trường hợp giết người thông thường, làm đảo lộn các giá trị xã hội và báo động tình trạng xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, nhân cách.
Vì hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức, mất hết nhân tính vì dám giết hại cả những người mà mình phải tôn thờ, kính trọng" – vị luật sư nêu quan điểm.