Tài xế siêu xe Ferrari gây tai nạn chết người sau một ngày mới trình diện, có khó khăn cho công tác xử lý?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 04/11/2022 16:22 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý phân tích tình huống tài xế siêu xe Ferrari gây tai nạn chết người ở Hà Nội sau một ngày mới ra trình diện.
Bình luận 0

Ai là người điều khiển siêu xe Ferrari gây tai nạn chết người?

Công an Hà Nội cho biết, anh Hoàng Bằng Việt (sinh năm 1997, trú quận Nam Từ Liêm) đã đến Cơ quan CSĐT đầu thú và khai nhận là người điều khiển ôtô Ferrari biển số 80-346-NG-74, gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại đường Lê Quang Đạo.

Qua xác minh, tra cứu cơ sở dữ liệu đăng ký, quản lý phương tiện, Công an Hà Nội xác định chủ sở hữu ôtô biển số 80-346-NG-74 là nhân viên ngoại giao nước ngoài.

Tài xế siêu xe Ferrari gây tai nạn chết người sau 2 ngày mới trình diện có vi phạm? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ siêu xe Ferrari gây tai nạn chết người. Ảnh: CTV

Theo cảnh sát, khoảng 5 giờ ngày 31/10, ôtô nhãn hiệu Ferrari biển kiểm soát 80-346-NG-74 lưu thông trên đường Lê Quang Đạo.

Khi đến trước cổng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, siêu xe này va chạm với xe máy khiến ông L.Đ.T. (sinh năm 1964, là người điều khiển xe máy) tử vong tại chỗ. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế ôtô và người phụ nữ cùng đi trên xe này rời hiện trường.

Đến 22h ngày 1/11, tài xế Hoàng Bằng Việt ra trình diện. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên ôtô còn có chị N.T.N.A. (sinh năm 1988; trú quận 8, TP.HCM). Sau tai nạn, do hoảng sợ, anh Việt và chị N.A. đã rời khỏi hiện trường.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra quyết định trưng cầu Trung tâm pháp y Hà Nội lấy máu, mẫu nước tiểu giám định cồn, chất gây nghiện đối với anh Hoàng Bằng Việt.

Hơn một ngày sau khi gây tai nạn mới ra trình diện, đúng hay sai?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ việc này nếu kết quả xác minh cho thấy, người điều khiển chiếc siêu xe đã đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, dẫn đến vụ tai nạn hoặc có lỗi hỗn hợp, có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra.

Ông Cường phân tích, đường Lê Quang Đạo thuộc khu vực nội thành, đông dân cư nên tốc độ tối đa đối với xe ôtô theo quy định pháp luật là không quá 60km/h đối với những đoạn có giải phân cách cứng và không quá 50km/h đối với đoạn đường không có giải phân cách cứng.

Cơ quan chức năng sẽ tính toán trên cơ sở vết phanh để lại trên hiện trường và trọng tải của chiếc xe để tính tốc độ di chuyển của chiếc xe này.

Ngoài ra, các phương tiện kĩ thuật trên xe cũng có thể lưu giữ vận tốc trước khi vụ tai nạn xảy ra, trong đó các dữ liệu điện tử, dữ liệu camera hành trình sẽ được thu giữ để xác định tốc độ của chiếc xe tại thời điểm tai nạn xảy ra.

Kết quả giám định dấu vết để lại trên hai phương tiện giao thông cũng là căn cứ để xác định tốc độ di chuyển của hai xe.

Về vấn đề tài xế rời khởi hiện trường sau khi vụ tai nạn xảy ra, ông Cường cho biết, đối với các với các vụ việc tai nạn giao thông, người gây tai nạn giao thông có trách nhiệm phải cứu giúp người bị nạn.

Trong trường hợp người gây tai nạn giao thông không cứu giúp người bị nạn, sau khi gây tai nạn có hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trường hợp đủ căn cứ để xử lý hình sự, người không cứu giúp nạn nhân có thể phải đối mặt với mức hình phạt tới 10 năm tù.

Tuy nhiên, trường hợp người gây tai nạn giao thông sau đó bị người dân đuổi đánh, có thể tránh mặt để đảm bảo an toàn đến tính mạng, sức khỏe của bản thân hoặc sau khi gây tai nạn tâm lý không ổn định, hoang mang, lo lắng nên chưa kịp trình diện với cơ quan chức năng nhưng có thông tin với cơ quan chức năng, nhận trách nhiệm về vụ việc, để lại xe trên hiện trường sẽ không được coi là bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp người gây tai nạn có nồng độ cồn hoặc có chất kích thích mà không trình diện với cơ quan chức năng, cố tình kéo dài thời gian giải quyết để trốn tránh việc bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn hoặc vi phạm về chất cấm, đây là hành vi này cũng có thể được đánh giá là thiếu trách nhiệm thái độ, yếu tố tự giác, ý thức trong việc khai báo.

"Trường hợp có căn cứ cho thấy người này điều khiển xe trong tình trạng say xỉn hoặc sử dụng trái phép chất kích thích, cần phải áp dụng các biện pháp cần thiết để làm rõ tình tiết này để xác định khả năng nhận thức cũng như yếu tố lỗi làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người gây tai nạn cố tình trốn tránh, chỉ hoãn, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, nếu xác định có lỗi, có thể sẽ bị khởi tố hình sự và tạm giam để điều tra" – ông Cường nêu quan điểm.

Trong khi đó, một luật sư khác cho biết, hiện chưa có hướng dẫn về việc trong bao lâu, người gây tai nạn phải có mặt tại trụ sở công an để khai báo, nhưng theo Điều 38 Luật giao thông đường bộ cho thấy, người gây tai nạn chỉ có 3 lựa chọn.

Đó là ở lại hiện trường, đến cơ sở y tế hoặc đến cơ quan công an. Nếu người gây tai nạn không có mặt tại một trong ba địa điểm trên, họ hoàn toàn có thể bị quy kết là bỏ trốn. Như vậy, nếu bị chứng minh có lỗi, hành vi này hoàn toàn có thể coi là tình tiết tăng nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem