Dân Việt

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Người bị phạt nguội phải đến trình diện thì trực tuyến làm gì nữa?

Khải Phạm 05/11/2022 07:05 GMT+7
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến Chuyển đổi số, thực hiện chính quyền số, nhà nước số để giảm thủ tục hành chính cho người dân.

Chiều ngày 4/11, sau khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn mạnh Hùng, Phó Thủ tướng (PTT) Vũ Đức Đam đã có báo cáo bổ sung để trả lời chất vấn những vấn đề mà đại buổi Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, thông tin và chuyển đổi số.

Trước khi phát biểu, PTT Vũ Đức Đam cũng không quên cảm ơn những ý kiến đóng góp, tham luận của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, chính quyền số và nhiều vấn nạn nhức nhối đang được quan tâm. 

Chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…

Liên quan đến chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cảm ơn đại biểu Tạ Minh Tâm đã đưa ra nhận định về hiện trạng chậm trễ trong rà soát, sửa đổi các quy định để khai thác tốt hơn các cơ sở dữ liệu đã xây dựng trong quá trình thực hiện đề án 06.

PTT Vũ Đức Đam: Người bị phạt nguội phải đến trình diện thì trực tuyến làm gì nữa? - Ảnh 1.

PTT Vũ Đức Đam trả lời chất vấn. Ảnh QH.

Theo ông Đam, đây là nhận định đúng, tuy nhiên qua đây cũng cho thấy nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm đến vấn đề sâu sắc và dài hơn. Đó là cuộc chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng công nghệ thông tin mà đã đến lúc cùng nhau khẳng định chuyển đổi số tiếp cận ở mức thay đổi toàn bộ tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, doanh nghiệp… đến phát triển của tất cả tổ chức doanh nghiệp và từng người dân.

Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật của nước ta chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, chưa phù hợp với đặc tính của công nghệ hiện đại.

“Trong các trường hợp cụ thể, câu hỏi đặt ra là có dám triển khai kể cả khi trái với quy định hiện hành chưa phù hợp hay không?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Cũng theo PTT Vũ Đức Đam để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh hơn thì trước hết cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển.

Đồng thời, Phó Thủ tướng thông tin Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Công an, và coi đây là đề án trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định. Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, cho ngành công an, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Đề án này khi thực hiện cũng đã bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, trước hết là đả thông tư tưởng của tất cả các Bộ, ngành, các cấp. Kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đã thực hiện đúng hướng, và đạt được các mục tiêu cơ bản”.

Để chuyển đổi số đạt được thành tựu và tạo ra cơ hội phát triển thì người đứng đầu phải thể hiện rõ quyết tâm, cần ra "đầu bài" thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.

Phạt nguội phải đến trình diện thì trực tuyến làm gì nữa?

Theo PTT Vũ Đức Đam, lâu nay khi triển khai các đề án liên quan tới chuyển đổi số, các bộ ngành gặp một số vướng mắc, kể cả về văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề này cũng diễn ra ở nhiều nước vì mọi người chưa lường hết sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin và chuyển đổi số nên thường bị vướng.

PTT cũng đưa ra ví dụ cụ thể. Trong 25 dịch vụ công được đưa ra rất chi tiết trong Đề án 06 (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia), hiện nay vẫn còn 4 dịch vụ chưa thực hiện xong. Trong đó, có 3 dịch vụ liên quan tới các ngành khác nhau là tư pháp, y tế, bảo hiểm, công an, và có một dịch vụ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ bằng camera (hay gọi là phạt nguội).

"Tất cả đã sẵn sàng, nhưng mà chỗ này vướng một điều trong luật, đó là muốn phạt nguội được thì người bị phạt nguội phải đến trình diện, xác nhận tại cơ quan. Đến xác nhận rồi thì sao trực tuyến làm gì nữa", Phó Thủ tướng nêu vấn đề tồn tại.

Điều này dẫn đến một câu gây ra tranh luận: Vậy chúng ta có dám làm trái quy định của luật mặc dù thấy đúng rồi hay không?

PTT khẳng định, việc này đã được các cơ quan bàn luận rất trách nhiệm và những vấn đề bức xúc liên quan đến người dân đã được báo cáo Chính phủ và vẫn triển khai. Còn những vấn đề cần thời gian điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật.

"Tôi lấy ví dụ, không chỉ nhất thiết phải sửa Luật về xử lý vi phạm hành chính, chúng ta có thể sửa thông qua luật giao dịch điện tử. Trước đây, luật giao dịch điện điện tử quy định thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản giấy. Bây giờ, chúng ta bàn đến khái niệm, không nhất thiết xác nhận tại chỗ", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm.