Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT - Nguyễn Mạnh Hùng tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trịnh Xuân An (Đông Nai) đặt vấn đề về quảng cáo sai sự thật.
Theo đại biểu, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay như Facebook, Zalo, TikTok,.. hàng giải, hàng nhái được chào bán một cách công khai. Đồng thời, chúng ta rất dễ tìm được quảng cáo các loại hàng hóa supper fake, fake 1, fake 2... Đại biểu An cho rằng đây là một vấn nạn cần phải siết lại và cần phải xử lý triệt để. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết thực trạng đó trong thời gian tới như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây những quảng cáo chỉ có duy nhất trên các phương tiện thông tin của các cơ quan báo chí, tức là báo, tạp chí, các đài truyền hình mới được phép quảng cáo.
Quy định cơ bản của luật pháp Việt Nam là các cơ quan này phải rà soát và đảm bảo những quảng cáo đấy thực hiện đúng, bài bản. Khi đó, cơ bản những cơ quan báo chí này thực hiện tốt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hùng trăn trở về vấn đề này khi 2 năm qua, vấn đề gây nhức nhối là quảng cáo Adwords. Theo đó, các báo, tạp chí điện tử có bán khoảng trống trên các trang của mình quản lý. Nhờ đó, các công ty nước ngoài đã đưa vào đó những nội dung quảng cáo và khi đó các cơ quan báo chí của chúng ta gần như buông toàn bộ để mặc doanh nghiệp muốn đưa vào đó cái gì cũng được, bỏ đi phần chịu trách nhiệm.
Do đó, vừa qua Bộ TT&TT đã sửa văn bản, Nghị định và có sự thanh tra, kiểm tra nên các trang tin, tạp chí, báo điện tử đã ý thức được việc này và vấn đề quảng cáo sai trên các đơn vị này được quản lý lại tương đối tốt. Vấn đề hiện nay chủ yếu xảy ra ở các nền tảng trên thế giới như trên Facebook, Youtube, TikTok... có rất nhiều quảng cáo sai sự thật.
Đề cập về giải pháp mà Bộ TT&TT sẽ thực hiện trong thời gian tới, ông Hùng đưa ra những việc sẽ làm gồm:
Thứ nhất, thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo vì hiện nay đã có quy định pháp luật.
Các quảng cáo thông tin sai sự thật, đặc biệt lĩnh vực thực phẩm chức năng lại thuộc các bộ chuyên ngành. Do đó, phải xác minh những quảng cáo này đã đúng pháp luật chưa.
Bộ trưởng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc với Bộ TT&TT trong thẩm quyền của mình cùng rà soát không gian, lĩnh vực mình quản lý. Bộ TT&TT có thể rà soát, đánh giá, nhưng về mặt pháp luật để khẳng định quảng cáo là sai thì phải liên quan đến các Bộ chuyên ngành.
Về thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, ông Hùng cho biết hiện nay các quảng cáo này chiếm tỷ lệ lớn. Bộ trưởng mong muốn Bộ Y tế chủ động tham gia rà quét các quảng cáo sai sự thật và gửi cho Bộ TT&TT. Khi đó, Bộ có đầy đủ căn cứ, công cụ kỹ thuật và yêu cầu nhà mạng để gỡ bỏ những quảng cáo sai sự thật đó trên nền tảng số.
Vấn đề vì sao các quảng cáo sai sự thật được phát hành, liệu có sự cấp phép, đồng ý của Bộ TT&TT hay không, có sự phối hợp của đài, báo cùng các doanh nghiệp để phát hành những quảng cáo đó? Bộ trưởng Hùng đã có câu trả lời với Quốc hội.
Ông Hùng khẳng định, Bộ TT&TT không có sự hợp tác để tạo ra những quảng cao sai sự thật giữa các đại báo với doanh nghiệp, công ty làm quảng cáo. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng không cấp bất kỳ một loại giấy phép nào liên quan đến việc này.
"Đây là hành vi giả mạo, cắt dán, lắp ghép một số nội dung của đài báo vào quảng cáo sai sự thật và đó là hành vi vi phạm pháp luật nở rộ từ 2021 đến nay chủ yếu trên mạng xã hội Facebook và Youtube. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo đài, báo tuyên truyền để người dân biết về quảng cáo giả mạo này và yêu cầu Facebook và Youtube tháo gỡ.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ gửi các hồ sơ vi phạm của các nhãn hàng quảng cáo như công ty sản xuất thực phẩm chức năng cho Bộ Y tế, Công thương để tiến hành thanh tra để xử lý các đối tượng quảng cáo sai sự thật", Bộ trưởng Hùng nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.