Bộ Công Thương cho biết Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trong Chỉ thị này, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trưởng các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng theo nội dung Giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao được cho phép theo quy định của pháp luật.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi bán xăng dầu qua thùng, can, chai có vi phạm pháp luật?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người thực hiện hành vi kinh doanh xăng dầu mà không có giấy phép, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Cường phân tích, đặc điểm của xăng dầu là chất cháy rất dễ bắt lửa, khi cháy rất khó kiểm soát ngọt lửa, ngoài ra, xăng dầu là loại nguyên liệu hóa thạch đặc biệt, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các phương tiện giao thông hoạt động và cho các máy móc thiết bị vận hành, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội nên đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ sở kinh doanh phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng trong việc đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh.
Xăng dầu cũng là hàng hóa thuộc nhóm hàng bình ổn giá nên giá cả xăng dầu sẽ do nhà nước quản lý. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu chỉ được bán hàng hóa theo đơn giá nhà nước quy định.
Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp các cá nhân tự mua cây xăng mini hoặc chứa xăng dầu trong các can, bình chứa để bán lẻ tự phát cho người tham gia giao thông...
Theo vị chuyên gia, hoạt động kinh doanh tự phát này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong phòng cháy chữa cháy, thường bán giá cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng và còn có thể nảy sinh các nguy cơ tiêu cực vì có thể có việc cấu kết với các cơ sở bán lẻ để trục lợi.
Hành vi bán lẻ xăng dầu khi không có giấy phép kinh doanh, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy sẽ bị xử phạt hành chính đến 30 triệu đồng.
Cụ thể khoản 2 Điều 14 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
"Nếu để cháy nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, tổ chức cá nhân kinh doanh xăng dầu không có giấy phép sẽ bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy hoặc tội vô ý gây thương tích, vô ý làm chết người tùy vào những tình huống cụ thể" – ông Cường nhấn mạnh.