Từ ngày 4-14/11, tại The World ArtSpace, số 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM, Công ty TNHH The World ArtSpace tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với chủ đề "Ký ức lụa là".
"Hoài niệm lụa là…" gồm 2 đề tài phố cũ và quê xưa 25 bức vẽ trên lụa, sáng tác trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2022.
Phố cổ Hội An trong vài thập niên cuối thế kỷ XX với những mái ngói thâm nâu, những mảng rêu đầy ắp màu thời gian, những con hẻm nhỏ, phố vắng, những hàng hoa giấy rủ bóng ven đường đi vào tranh Nguyễn Trọng Dũng, phảng phất một mùi hoài niệm.
Thả hồn theo những góc ký ức về Hội An của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, cũng là cách thấy lòng dịu lại giữa một Sài Gòn phố xá tấp nập khó còn chỗ nương náu cho nỗi nhớ cố hương… Đâu đó là những bức "Đồng dao", "Hoan ca", "Chiều hè", "Thả diều", "Chơi ô làng", "Trâu trắng trâu đen"... khiến người xem được thong thả quay trở lại với thế giới của tuổi thơ và hồi tưởng về miền Trung đầy nắng gió.
Nhà văn, họa sĩ Trần Trung Sáng ví von: "Tranh Nguyễn Trọng Dũng ví như những điệu thức tằm tơ trầm bổng, có lẽ đã ăn sâu từ trong tâm thức, với sự ngọt ngào của hình và những mảng màu trang trí, đôi khi thấp thoáng ít nhiều yếu tố lập thể. Càng dễ gặp gỡ điều này ở những ký ức tuổi thơ pha trộn tinh thần cổ xưa với phong vị mới mà vẫn mềm mại, uyển chuyển... Nơi đây, có lúc hình vẽ cách điệu theo lối dân gian, lúc nâng cao thành phong cách bác học, mà người thưởng ngoạn phải trải lòng tận thưởng mới nhận ra những thông điệp lấp lánh và cái đẹp ấm áp, thú vị, tỏa hương thơm".
Vẽ tranh lụa đòi hỏi công phu và cả sự tự vấn để không lặp lại mình. Giải thích lý do có bức tranh phải rửa tới 15 lần mới vừa ý, họa sĩ cho biết: Tùy theo tay nghề, kỹ thuật của mỗi họa sĩ, quy trình vẽ tranh lụa có thể có nhiều cách khác nhau. Có nhiều người thích vẽ lụa khô, người vẽ lụa ẩm, có người lại vẽ không rửa… tùy theo cá tính và cảm xúc của người cầm bút vẽ. Ngẫm lại, vẽ cũng giống như sở thích ẩm thực, mỗi người một vẻ.
"Theo tôi, tranh lụa đẹp nhờ sự ẩn hiện của đường nét, của những mảng màu được nhuộm thắm vào trong từng thớ lụa, từng sợi tơ, dưới tác động của ánh sáng, đã tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ, khiến cho người thưởng ngoạn một xúc cảm nhẹ nhàng, thanh thoát.
Tranh lụa khi lên 1 -2 lớp màu, rửa đi, rồi lên màu tiếp… cứ thế đến khi thấy màu trên tranh đã thắm (mặt trước và mặt sau tranh màu đều như nhau) giống như phác thảo hoặc ý đồ của người vẽ thì đã đạt được.
Tranh càng vẽ nhiều lớp, càng rửa nhiều lần, thì các thớ lụa (trong nghề gọi là ganh lụa) nổi rõ lên, khiến cho bức tranh màu trong trẻo, từng sắc thái, đậm nhạt của mỗi mảng màu trong tranh rõ ràng, lôi cuốn người xem", họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng nhấn mạnh.
Sinh ra và lớn lên tại Xứ Quảng, ông mong muốn được vẽ trên nền lụa quê hương, tận dụng sắc màu bàng bạc và đường nét óng ả của lụa để biểu đạt những trải nghiệm và mơ tưởng … để đi tìm cái đẹp bản nguyên về tranh lụa truyền thống.
Cũng theo ông, ít có những họa sĩ thành danh về lụa tại Đất Quảng.
Không như sơn dầu, khi vẽ có thể chồng lên nhiều màu sắc khác nhau, vẽ lụa giống như thiền vậy! Trầm tĩnh, bền bỉ, sâu lắng, chỉ một lúc sơ sót lên màu sai, là bỏ hẳn bức tranh! Vẽ xong phải bồi tranh, biểu tranh lên giấy, rồi làm bo tranh, khung tranh. Và chỉ bất cẩn treo vào tường bị ẩm là hư tranh ngay.
Người chọn tranh, tranh cũng chọn người!
Tranh lụa Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo nên những tiếng vang lớn trong các phiên đấu giá mỹ thuật; như tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ… đã tạo nên một bản sắc riêng trên nền mỹ thuật trên thế giới.
Cũng theo họa sĩ, điều đáng mừng là trong lớp các họa sĩ trẻ cũng có nhiều người đã thành danh, định hình về tranh lụa trong giới mỹ thuật như HS Bùi Tiến Tuấn (TP.HCM), Vũ Đình Tuấn, Lưu Chí Hiếu (Hà Nội)…
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng sinh ngày 19/02/1962 tại thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế - Hệ trung cấp (1982 – 1985), Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (1996), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng (2013-2018). Mặc dù đã có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm trong nước nhưng đây là lần đầu tiên ông có cuộc triển lãm riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh - đặc biệt chỉ về lụa.
Nguyễn Trọng Dũng đã từng nhận Bằng khen Danh dự ASEAN (1996), Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Miền Trung (1998, 2000, 2001, 2003, 2013, 2021); Bằng khen Triển lãm Mỹ thuật Quân đội (2002), Giải C Triển lãm Mỹ thuật Quân đội tòan quốc (2009), Huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Giải S.I.D.A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2005); Giải A Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (2003, 2005); Giải I Hội Liện hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (2013); Bằng khen Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2009); Giải C Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần II (2009-2013); Giải I Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III (2010 -2015). Tranh (sơn dầu và lụa) của anh đã nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mường, Bộ sưu tập Hội Mỹ thuật Việt Nam…