Dân Việt

Chuyển đổi sinh kế ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản

Phượng Vỹ 07/11/2022 06:03 GMT+7
Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang đồng loạt chuyển đổi mô hình sinh kế thích ứng với thổ nhưỡng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đến nay, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã cho thấy hiệu quả.

Đặc biệt, kể từ năm 2016, khi dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL" (ICRSL) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, nhiều địa phương đã tích cực bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng.

Nhiều mô hình hiệu quả, đi vào thực tế

Xã Tân Xuân, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) có diện tích tự nhiên hơn 2.441ha, trong đó có hơn 2.000ha diện tích đất nông nghiệp (hơn 1.100ha đất sản xuất lúa) từ lâu được biết đến là xã thuần nông khá rộng với 9 ấp, hơn 3.600 hộ dân, 15.118 nhân khẩu.

Trước kia, toàn xã có có gần 200ha được quy hoạch làm muối nhưng những năm gần đây, xã đã chuyển đổi gần hết diện tích sang nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học và phát triển bền vững. 

Một trong những nông dân đi đầu trong mô hình chuyển đổi này là anh Nguyễn Thành Sang, ở xã Tân Xuân. Năm 2021, anh đã thu hoạch được lứa tôm thẻ chân trắng nuôi theo quy trình an toàn sinh học đầu tiên thu lời hơn 3 tỷ đồng.

Từ thành công cụ lứa tôm thẻ đầu tiên, anh Sang cho biết, theo dự định sẽ tiếp tục mở rộng thêm 3ha mặt nước để nuôi tôm theo quy trình công nghệ cao hơn trong năm 2022. 

"Trước đây, với một ao, tôi chỉ nuôi và thu hoạch được 3 tấn nhưng kể từ khi áp dụng theo quy trình an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, giờ năng suất đã tăng lên 7 tấn/ao, mỗi năm thu hoạch liên tục được 3 lứa, lợi nhuận cao hơn hẳn trước đây"- anh Sang tiết lộ.

Theo ông Cao Hải Đảo- Trung tâm Khuyến nông xã Tân Xuân, quy trình nuôi tôm thẻ an toàn sinh học phải đảm bảo các điều kiện: "Thứ nhất, sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế dần các loại thuốc có sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, vệ sinh ao tôm. Thứ hai, sử dụng nước tuần hoàn có hệ thống ao lắng, chứa thải đảm bảo chủ động nguồn nước và không gây ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình nuôi trồng thủy sản".

Được biết, Bến Tre là một trong 7 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long tham gia dự án "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu" từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới (WB). Theo đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển và ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư, góp phần phát triển bền vững khu vực huyện Ba Tri (gọi tắt là tiểu dự án 4).

Hiện có gần 13 xã và hợp tác (HTX) thủy sản trên địa bàn huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre tham dự triển khai kế hoạch hoạt động và xây dựng mô hình sản xuất phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng biển Ba Tri nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển đổi sinh kế ở Đồng bằng sông Cửu Long: Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng thủy sản - Ảnh 1.

Người dân Bến Tre thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: P.V

Trong thời gian tới, các mô hình"Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL" sẽ tiếp tục được nhân rộng tại Sóc Trăng và Bến Tre. Để hỗ trợ người dân, phía tiểu dự án ICRSL sẽ làm việc với phía WB cũng như kết nối với các doanh nghiệp để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cũng như việc tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục nhân rộng 

Tương tự như ở Bến Tre, tại Sóc Trăng mô hình nuôi tôm thẻ theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao đang thay dần các diện tích trồng mía kém hiệu quả. 

Việc chuyển đổi mô hình sinh kế theo hướng bền vững áp dụng công nghệ cao đã giúp người nông dân nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu cho gia đình mình. Đặc biệt quan trọng hơn là thay đổi được tư duy, nhận thức của bà con trong làm nông nghiệp.

Ông Dương Văn Hiệp ở xã Thanh Ba, Càu Lao Dung, Sóc Trăng là một trong những người mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang nuôi tôm cho biết: "Gia đình tôi vốn quen trồng mía, chuyển sang nuôi tôm ban đầu cũng có chút lo lắng. Nhưng sau được các cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn, nên nhà tôi chuyển đổi luôn 2ha mía sang nuôi tôm và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nuôi được tôm sạch, đảm bảo xuất khẩu".

Theo ông Võ Quốc Bảo- Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, để người dân thực hiện tốt quy trình chăn nuôi VietGAP, chúng tôi đã làm hợp đồng hỗ trợ bà con nông dân 50% con giống, 50% thức ăn, đồng thời hỗ trợ thêm men vi sinh giúp bà con có nguồn vốn tốt đáp úng tốt theo tiêu chuẩn. Với sự hỗ trợ này, rất nhiều bà con đã yên tâm áp dụng làm theo quy trình và không chỉ thoát nghèo, còn làm giàu được nhờ quy trình nuôi tôm như thế.

Theo nhận định, với hiệu quả đạt được từ các mô hình thực tế, trong thời gian tới, các mô "Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL" sẽ tiếp tục được nhân rộng tại Sóc Trăng và Bến Tre. Để hỗ trợ người dân, phía tiểu dự án ICRSL sẽ làm việc với phía WB, cũng như kết nối với các doanh nghiệp liên kết để giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cũng như việc tiêu thụ sản phẩm.