Anh Tâm kể: "Năm 2018 tôi vào tỉnh Đồng Tháp học được kỹ thuật nuôi ếch, nuôi cá trê lai thương phẩm. Sau khi thấy bà con trong đó thực hiện mô hình nuôi ếch, nuôi cá trê đạt hiệu quả kinh tế tốt.
Với số vốn 10 triệu đồng, tôi mua bạt nhựa về giăng thành 3 ô, mỗi ô rộng chừng 24 m2 để nuôi ếch và 1 ô nuôi cá trê lai....".
Anh Phạm Văn Tâm thả cá trê lai giống vào hồ nuôi tại xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn, tỉnh Bình Định). Ngoài nuôi cad trê lai, anh còn nuôi ếch Thái Lan, nuôi cá rô đồng. Ảnh: X.T
Ếch giống, cá trê lai giống thì anh đặt mua ở trang trại nơi mình học nghề ở Đồng Tháp. Sau đó anh mua giống ếch Thái Lan về tự nhân giống để nuôi. Ngay năm đầu tiên anh bán được 1,6 tấn ếch và 200 kg cá trê lai, thu về được 69 triệu đồng.
Nhận thấy cơ hội làm ăn tốt, năm 2020, anh Tâm đầu tư mở rộng khu chăn nuôi, xây 10 ao nuôi bằng gạch, trong đó 8 ao nuôi ếch, 1 ao nuôi cá trê lai, 1 ao nuôi cá rô đồng và cải tạo 1 ao đất chuyên nuôi cá trê lai.
Nhờ đó mỗi năm anh Tân có thế xuất bán 5 tấn ếch thịt, 800 kg cá trê lai, 500 kg cá rô đồng. Chưa kể khoản thu từ việc bán ếch giống, anh Tâm đã thu về hơn 300 triệu đồng.
Mô hình nuôi ếch, nuôi cá rô đồng, nuôi cá trê lai của anh Tân còn tạo việc làm cho 3 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Tâm chia sẻ: “Khác với nhiều người, trước khi thả nuôi cá, nuôi ếch, tôi đều kết nối với thương lái; hai bên chốt xong khung giá, thỏa thuận có bao nhiêu bán hết cho họ bấy nhiêu là ký hợp đồng.
Tôi không còn lo lắng chuyện bán hàng nữa, cứ tập trung nuôi và tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Tới đây tôi còn xây thêm hồ nuôi ốc bươu đen. Hiện tôi đang xin thuê đất dài hạn để có điều kiện đầu tư mở trang trại nuôi thủy sản rộng khoảng 10.000 m2. Với trang trại này tôi sẽ nuôi ếch và cá khép kín”.