Thực tế hiện nay, việc khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng đang khiến nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm. Nhiều công trình, dự án không hoàn thành đúng tiến độ, tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí.
Báo cáo nhà chung cư của CBRE cho biết quý 3, nguồn cung căn hộ mở bán tại TP.HCM sụt giảm 80% so với quý 2. Trong khi đó, thống kê của DKRA Việt Nam cho hay toàn thị trường căn hộ phía Nam (gồm TP.HCM và các tỉnh giáp ranh) đã sụt giảm nguồn cung 64% so với quý trước. Hai đơn vị này đều xác nhận thanh khoản nhà ở đang giảm mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, việc tìm ra các giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong tình hình mới để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững là rất cần thiết. Bởi lẽ, các doanh nghiệp bất động sản, chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường không dễ dàng để tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Hoặc các doanh nghiệp bất động sản cũng khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do thị trường đang có dấu hiệu chững lại, trầm lắng, giao dịch sụt giảm dẫn đến rủi ro bị mất thanh khoản là nỗi lo lớn nhất của các chủ đầu tư.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc R&D DKRA Group nhận định việc kiểm soát tín dụng cũng như siết chặt các quy định tiếp cận vốn bằng kênh trái phiếu khiến thị trường địa ốc rơi vào cơn khát vốn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang cạn vốn.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định tình thế khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm tiền khủng hoảng đã dẫn đến thị trường bất động sản bị khủng hoảng "đóng băng" trong giai đoạn 2008 - 2013.
Theo HoREA, điểm đáng quan tâm so với năm 2007 - 2008 là năm 2023 - 2024 ước khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn nên rất cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bất động sản vận hành thông suốt.
HoREA cho hay, thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO… Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Để tìm giải pháp, duy trì hoạt động, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy. Đáng chú ý, một số đơn vị phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Có doanh nghiệp phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu...
Bên cạnh đó, việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thị trường sắp tới sẽ khó khăn khi nguồn cung vừa quá thiếu vừa quá thừa so với nhu cầu, chính sách tín dụng thắt chặt. Bộ trưởng nhấn mạnh cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp, trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội, nhà công nhân còn rất lớn, thị trường còn khó khăn.
Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng đề ra như là các giải pháp liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thị trường.
Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp về kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Xây dựng nhấn mạnh các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện thì cần tạo điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn cung.
Trong khi đó, để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội...
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tăng thanh khoản.
Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đồng thời tạo điều kiện cho công ty đại chúng, công ty niêm yết uy tín… có xếp hạng tín nhiệm được phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân dù không là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Quan trọng là sớm có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa… nhất là 64 dự án tại TP.HCM, để tăng nguồn cung nhà ở, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời tháo gỡ "vướng mắc" thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.