Thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng, gian nan tìm mua căn hộ
Giải bài toán an cư (bài 2): Thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng, gian nan tìm mua căn hộ
Hồng Trâm
Thứ năm, ngày 05/05/2022 06:30 AM (GMT+7)
Tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền dẫn đến việc người có thu nhập trung bình khó sở hữu được nhà, tạo ra mối quan ngại an sinh xã hội tại TP.HCM.
Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng năm 2022 về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
Sở Xây dựng cho biết tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản TP.HCM giảm 17,32% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, còn tổng vốn đăng ký giảm sâu 84,6%; đây là năm thứ hai liên tiếp hoạt động kinh doanh bất động sản thành phố suy giảm.
Nguồn cung nhà ở năm 2021 giảm 35,48%, tổng số căn nhà giảm 14,51%. Cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường và đảm bảo an sinh xã hội theo nhu cầu thực tế.
Theo Sở Xây dựng, thông thường phân khúc căn hộ bình dân chiếm tỷ lệ cao nhất, nhưng trong năm 2021 thì căn hộ bình dân giảm từ 1% - 0%. Phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 20 - 40 triệu đồng/m2) tăng cao nhất từ 42,10% - 73,98%. Lãnh đạo Sở cũng đánh giá đây là một trong những dấu hiệu cho thấy lệch pha cung cầu và cũng chỉ rõ sự phát triển thiếu bền vững của thị trường bất động sản.
Thực tế, tình trạng khan hiếm nhà giá rẻ, lệch pha phân khúc đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo. Ông Phạm Lâm - CEO DKRA Vietnam đánh giá tình trạng khan hiếm nhà ở giá rẻ từ 2 năm qua, nhưng tình hình trên thị trường vẫn không có nhiều cải thiện.
"Ngoài ra, trong 5 năm qua, nhiều đợt sốt đất ảo đã xảy ra, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản, đẩy giá nhà đất ngày càng tăng.
Cùng với việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền đã làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân. Người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp là thành phần chiếm đa số trong cơ cấu dân số đô thị ngày càng khó tạo lập nhà ở", ông Lâm nói.
Khó mua được nhà
Những năm gần đây, thị trường bất động sản tại TP.HCM luôn là "điểm nóng" sôi động của hàng loạt các giao dịch mua bán, có những nơi căn hộ được chào bán từ 70 - 100 triệu đồng/m2.
Thế nhưng, thị trường lại chỉ xuất hiện phân khúc căn hộ hạng A, B, còn những phân phúc hạng C và bình dân dường như đã "vắng bóng" trên thị trường mua bán.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về thị trường nhà ở năm 2021 và xu hướng năm 2022, TP.HCM đang thừa nhà cao cấp, thiếu nhà bình dân. Có thể thấy, nguồn cung nhà ở năm 2021 giảm 35,48% so với năm 2020, cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường, chưa đảm bảo an sinh xã hội.
Chỉ tính riêng trong năm 2021 trên địa bàn TP.HCM có 20 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng, không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nào ra đời.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Trung Hoàn (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết "Tôi vào TP.HCM đã được 5 năm, thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng 20 triệu, do còn nuôi con nhỏ và nhiều phi chí khác nên tôi cùng vợ muốn mua 1 căn hộ bình dân và trả góp theo tháng.
Thế nhưng, hiện nay tại khu vực TP.Thủ Đức nơi tôi sống không có dự án nào có giá dưới 30 triệu đồng/m2. Các dự án chung cư cũ cũng không còn giá nào dưới 2 tỷ đồng. Kinh tế ngày càng khó khăn, chi tiêu cũng ở mức cao, giá nhà đất cứ tăng chóng mặt thì người dân không biết bao giờ mới có nhà để ở".
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết: "Thực trạng thiếu nhà ở xã hội và căn hộ bình dân trên địa bàn TP.HCM đang rất nóng và diễn ra trong nhiều năm qua. Hiệp hội đã liên tục đề xuất cho cơ quan chức năng để tìm ra nhiều giải pháp phát triển xây dựng nhà ở giá trung bình để người dân có cơ hội tiếp cận, an cư lạc nghiệp".
Theo ông Châu, định mức lợi nhuận của nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân chỉ 10% hiện không đủ để giải bài toán tài chính cho doanh nghiệp. Việc duyệt giá bán nhà ở xã hội, các thủ tục pháp lý liên quan cấp sổ hồng, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm triển khai... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở này.
Về vấn đề khan hiếm nhà giá rẻ, ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group chia sẻ: "Nhiều năm qua tại TP.HCM, dự án bất động sản đủ điều kiện về pháp lý ngày càng khan hiếm. Thị trường với nguồn nhu cầu dồi dào nhưng nguồn cung lại thiếu hụt, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ, căn hộ bình dân. Với quan điểm cá nhân thì tôi nghĩ TP.HCM cần phải cân nhắc tính toán thêm quỹ đất, bố trí nhiều khu vực dự án, nhà ở xã hội để người dân ổn định".
Theo ông Phúc, một hướng giải pháp khác cho người thu thập vừa và thấp là chuyển về cùng giáp ranh TP.HCM mua nhà. Khách hàng có thể tìm về các khu vực tiệm cận TP.HCM để mua dự án, các tỉnh như Bình Dương, Long An, hay Đồng Nai, vì hiện nay hạ tầng giao thông đã kết nối đồng bộ, các trục đường vào TP.HCM cũng rất thuận lợi, nên đây có thể là điểm đến lý tưởng để mua nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.