Dân Việt

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Diện tích trồng rau tăng, 76% là hàng VietGAP

Nguyên Phương 07/11/2022 13:07 GMT+7
Rau là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, giúp ngành nông nghiệp thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Tỷ lệ rau an toàn VietGAP năm 2022 ước tính chiếm 76% diện tích gieo trồng rau toàn thành phố.

Theo số liệu của Sở NNPTNT TP.HCM, ước tính năm 2022, diện tích gieo trồng các loại rau trên địa bàn thành phố đạt 21.750 ha. Sản lượng rau ước đạt 615.287 tấn. So với năm 2021 (năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19), năm 2022, các vùng trồng rau lớn tại TP.HCM đã tăng diện tích gieo trồng và sản lượng cũng tăng đáng kể.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Diện tích trồng rau tăng, 76% là hàng VietGAP - Ảnh 1.

Rau là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, giúp ngành nông nghiệp thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thành phố đã ban hành và triển khai chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị xuyên suốt từ năm 2011 đến nay (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay) theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011; Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/02/2016, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017, Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 23 tháng 3 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố. Theo đó, chính sách quy định: doanh nghiệp, HTX, THT, hộ nông dân khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để sản xuất rau an toàn, sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay, cụ thể như sau:

Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất: Đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất rau an toàn. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 05 năm trên một phương án.

Ngân sách Thành phố hỗ trợ 60-80% lãi suất: để đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu, thức ăn, trả công cho người lao động phục vụ sản xuất rau an toàn. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 36 tháng trên một phương án.

Các chính sách hỗ trợ trên nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố, góp phần đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới.

Tại TP.HCM, các vùng trồng rau lớn nằm tại 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn. Hiện nay, tổng số cơ sở đã được chứng nhận VietGAP còn hạn trên địa bàn TP.HCM là 461 cơ sở, tương đương 5.278 ha diện tích gieo trồng, sản lượng đạt 122.039 tấn.

Ước lũy tiến đến cuối năm 2022, tổng số cơ sở sản xuất rau, quả trên địa bàn thành phố đã được chứng nhận VietGAP là 1.770 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích gieo trồng 16.530 ha (chiếm tỷ lệ 76% diện tích gieo trồng rau trên Thành phố); sản lượng ước đạt 280.347 tấn (đạt 100% kế hoạch năm 2022).

Sản phẩm rau an toàn tại TP.HCM ngày càng nâng cao chất lượng. Các HTX có tiếng không ngừng ứng dụng công nghệ vào canh tác. Nhiều HTX, doanh nghiệp đã đưa rau vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm như Co.opmart, Winmart, Big C, Lotte Mart, Aeon… Nhờ vậy, đầu ra và giá cả ổn định.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Diện tích trồng rau tăng, 76% là hàng VietGAP - Ảnh 2.

Rau xanh canh tác theo tiêu chuẩn an toàn vào siêu thị với sản lượng, giá cả ổn định. Ảnh: Hồng Phúc

Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá năm 2022, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu nông nghiệp đã chuyển dịch từ giảm diện tích trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng.

Rau an toàn được TP.HCM xác định là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Rau chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của TP.HCM và có xu hướng phát triển ổn định. Rau cũng phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn, có khả năng cạnh tranh phát triển.

Rau cũng là nhóm sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học làm tăng năng suất, chất lượng và được các chủ thể sản xuất thời gian qua ứng dụng rộng rãi. Rau và các sản phẩm từ rau có tiềm năng mở rộng thị trường, không chỉ tại TP.HCM mà còn đi các tỉnh, xuất khẩu; có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định; cho lợi nhuận và giá trị kinh tế cao.