Tăng vọt diện tích hoa, cây kiểng theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM

Nguyên Phương Thứ bảy, ngày 05/11/2022 12:55 PM (GMT+7)
Hoa, cây kiểng là một trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, giúp TP chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn TP.HCM năm 2022 ước đạt 2.440 ha, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

Theo thống kê mới nhất của Sở NNPTNT TP.HCM, ước tính diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn TP.HCM năm 2022 đạt 2.440 ha, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, diện tích canh tác hoa lan đạt 370 ha, diện tích gieo trồng hoa nền 665 ha, diện tích canh tác kiểng - bonsai 595 ha, hoa mai 810 ha (diện tích canh tác). Trong các loại hoa, cây kiểng tại TP.HCM, diện tích hoa nền và hoa mai tăng mạnh nhất.

Diện tích hoa, cây kiểng theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM tăng vọt - Ảnh 1.

Nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM làm giàu nhờ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị từ trồng mía sang trồng hoa mai vàng. Ảnh: Hồng Phúc

Thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021, thời gian qua ngành nông nghiệp đã có nhiều hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía hiệu quả thấp sang các loại hoa, cây kiểng như hoa nền, hoa lan, hoa mai cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố.

Nhờ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị, ứng dụng công nghệ cao, nông dân nhiều huyện như Bình Chánh đã trở thành tỷ phú nhờ cây mai vàng, nông dân Củ Chi, Hóc Môn phất lên, làm giàu từ hoa lan, cây kiểng bonsai.

Hoa, cây kiểng được TP.HCM xác định là một trong số 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP do chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của TP.HCM và có xu hướng phát triển ổn định. Hoa, cây kiểng cũng phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Diện tích hoa, cây kiểng theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM tăng vọt - Ảnh 2.

Hoa lan là sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Tết Nguyên đán là dịp thị trường hoa, cây kiểng TP.HCM nhộn nhịp nhất. Theo thống kê của Sở NNPTTN TP.HCM, tổng diện tích hoa, cây kiểng phục vụ dịp Tết 2020 (tức trước dịch Covid-19) đạt 1.027,5 ha. Giá trị sản lượng hoa cây kiểng Tết 2020 đạt 1.661 tỷ đồng, trong đó mai vàng ước đạt 362,3 tỷ đồng, hoa lan đạt 215,4 tỷ đồng, hoa nền đạt 135 tỷ đồng, bonsai và kiểng các loại đạt 973 tỷ đồng.

Thế mạnh về hoa, cây kiểng tại TP.HCM còn thể hiện qua việc các chủ thể sản xuất liên tục cập nhật, sưu tập giống mới. Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đã sưu tập, lưu trữ được 273 giống hoa, cây kiểng các loại, gồm 47 giống hoa nền như cúc Pico, hoa đồng tiền, hồng tezza; 102 giống kiểng lá; 25 giống lan Dendrobium; 7 giống lan rừng; 83 giống hoa hồng thân gỗ, thân leo, thân bụi; 2 giống mai vàng và 14 giống sứ. 

Đồng thời, TP.HCM cũng như các chủ thể sản xuất tiếp tục duy trì, bảo dưỡng vườn sưu tập hoa, lá kiểng; duy trì giống bằng phương pháp lưu nguồn mẫu in vitro; tạo cơ sở dữ liệu điện tử lưu trữ nguồn gốc, mô tả đặc điểm nông sinh học và hình ảnh các giống hoa, cây kiểng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem