Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều năm qua tỉnh Bắc Kạn đã triển khai đào tạo nghề linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của nông dân ở từng địa phương. Tỉnh đẩy mạnh đào tạo nghề thường xuyên tại chỗ và theo thời vụ của người lao động tại các vùng sản xuất.
Một trong những mô hình đào tạo hiệu quả có thể kể đến là đào tạo nghề vỗ béo trâu, bò cho đồng bào vùng cao huyện Pác Nặm. Nhờ được đào tạo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, người dân đã thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo. Nhờ vậy mà hiệu quả chăn nuôi gia súc đã tăng lên rõ nét.
Anh Dương Đình Tú tại xã Nghiên Loan (Pác Nặm, Bắc Kạn) cho biết, trước đây các gia đình thường nuôi trâu bò theo tập quán cũ, vì thế mỗi khi thời tiết khắc nghiệt là trâu bò ốm, chết nhiều.
Năm 2019, anh Tú được hội nông dân xã giới thiệu tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau 3 tháng học nghề, anh Tú cùng các nông dân ở địa phương được học kỹ năng chọn giống, phương pháp chăn nuôi khoa học, giảm dư lượng thức ăn hóa chất, cách phát hiện, chăm sóc khi gia súc ốm...
"Nhờ được đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn đầu tư sản xuất nên hiện nay gia đình tôi đã nâng đàn trâu bò của gia đình lên 15 con. Thu nhập từ công việc chăn nuôi mỗi năm cũng giúp gia đình tôi có thêm được 150-170 triệu đồng. Nhờ vậy cuộc sống cũng bớt khó khăn", anh Tú nói.
Để nâng cao quy mô, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã chuyển hướng đào tạo. Thay vì đào tạo theo những gì mình có, tỉnh đã chuyển hướng sang đào tạo theo địa chỉ và những gì người dân cần. Nhờ đó, người dân được học nghề gắn với thế mạnh, khả năng của gia đình, địa phương, giúp phát triển các mô hình kinh tế.
Giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh phấn đấu tuyển mới và đào tạo nghề cho khoảng 25.000 lao động nông thôn trở lên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp của tỉnh đạt trên 50% vào năm 2030. Sau khi được đào tạo, ít nhất 80% số lao động được đào tạo nghề có việc làm, tăng thu nhập.
Đồng thời, gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới. Giúp tạo việc làm cho người dân và mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, canh tác, sản xuất..., tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống xã hội tại khu vực nông thôn.
Ông Đồng Phúc Hình - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Kạn cho biết, giai đoạn 2011 - 2021, đào tạo nghề ở các cấp trình độ đào tạo được 67.379 lao động, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 là 26.403 người; lao động trực tiếp làm nông nghiệp là 17.627 người; lao động phi nông nghiệp là 8.776 người. Ngoài ra còn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã được 4.372 người, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Sau học nghề, có hơn 80% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế sản xuất; có hơn 70% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương.
Để nâng cao chất lượng GDNN nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, tỉnh đã chú trọng nhiều tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở giáo dục dạy nghề, giáo trình...
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng tới công tác tư vấn đào tạo nghề và việc làm cho người lao động ở nông thôn. Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.