Giải pháp nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tại Lào Cai?
Giải pháp nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tại Lào Cai
Thùy Anh
Thứ hai, ngày 07/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Lào Cai là tỉnh miền núi, người dân sống chủ yếu ở nông thôn, làm nông nghiệp tuy nhiên tỷ lệ lao động làm nông nghiệp qua đào tạo còn thấp mới đạt hơn 60%. Để nâng tỷ lệ này, tỉnh Lào Cai đang chú trọng nhiều hơn tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ông Đinh Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lào Cai cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, tỉnh Lào Cai đã có những biện pháp quyết liệt trong triển khai đào tạo nghề. Từ đó, thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ đó giúp lao động nông thôn tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua tỉnh đã tổ chức được nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã, thôn, bản trong đó có nhiều thôn, bản đặc biệt khó khăn. Việc đào tạo cũng được thực hiện linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của bà con. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chương trình dạy nghề tạo việc làm có sự liên kết 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường và Nhà doanh nghiệp.
Sau học nghề lao động nông thôn đã thành lập các tổ, đội, sản xuất kinh tế. Mô hình nuôi lợn tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng một năm xuất bán được 3 lứa lợn, mỗi lứa nuôi từ 40 -50 con, xuất chuồng từ 4 - 5 tấn (trừ chi phí mỗi hộ thu được từ 25 - 30 triệu đồng /lứa, thu nhập khoảng 70 -90 triệu đồng/ năm); Mô hình trồng hoa Lan tại huyện Sa Pa cho thu nhập từ 70 – 100 triệu/năm…
Một số mô hình đào tạo địa chỉ theo đặt hàng của doanh nghiệp cho hiệu quả cao. Điển hình là mô hình đào tạo theo vị trí việc làm của các doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Đồng Tả Phời, Tổng Công ty Khoáng sản TKV... lao động sau học nghề được tạo việc làm, thu nhập cơ bản ổn định từ 5-9 triệu đồng/tháng, có đơn vị trên 10 triệu đồng/tháng. Các mô hình đã thu hút đông đảo lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo và được nhận vào làm tại các doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết trong giai đoạn 2018 - 2021 trường đã đào tạo và giới thiệu cho hơn 2.000 học sinh sinh viên thực hành, thực tập tại trên 200 doanh nghiệp trong tỉnh và tại những doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Kết quả giai đoạn 2012 – 2022, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 158.700 người, trong đó có 93.041 lao động nông thôn được đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) và có khoảng 21.258 người được đào tạo nghề dài hạn (6 tháng trở lên).
Hiện toàn tỉnh có khoảng 66% lao động nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng. Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản; xây dựng nông thôn mới bền vững; nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Giải quyết những hạn chế, đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn
Bên cạnh những thành tựu, hoạt động dạy học nghề trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một số lãnh đạo và người dân chưa nhận thức chưa đầy đủ về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; nhiều người lao động chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc đào tạo nghề, dẫn đến tình trạng người lao động chưa chủ động đăng ký tham gia học nghề.
Ngoài ra, người tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ, nhận thức, chưa mạnh dạn tham gia học nghề, hoặc có nơi chỉ xây dựng dạy nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, hoặc xây dựng kế hoạch dạy nghề chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đinh Văn Thơ - Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh nhận định, có thời điểm sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Công tác xã hội hóa dạy nghề cho lao động nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; ở nhiều địa phương hiện nay không có giáo viên cơ hữu, học liệu đào tạo nghề ít; Công tác định hướng, phân luồng học sinh phổ thông chưa đạt kết quả như mong muốn...
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn là: tập trung đào tạo mới; đào tạo, bồi dưỡng lại cho khoảng 58.000 lao động, trong đó: trình độ cao đẳng: 6.450 người; trung cấp: 16.570 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 34.980 người. Trong đó, tập trung hỗ trợ đào tạo cho trên 80% là lao động nông thôn. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đào tạo các trình độ cao (cao đẳng, trung cấp) và đào tạo, bồi dưỡng lại cho lao động để nâng trình độ, tay nghề đáp ứng yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
"Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Lào Cai đã và đang tiếp tục triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực cho lao động nông thôn. Trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, phát triển kinh tế xanh, bền vững góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh", ông Thơ nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.