Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Sông Công vẫn tiếp tục được duy trì ổn định.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng đạt 8.300 tỷ đồng, bằng 75,07% kế hoạch, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2021.
Bước vào sản xuất ngành trồng trọt năm 2022,m trên địa bàn TP Sông Công gặp điều kiện thời tiết bất thường. Các đợt rét đậm, rét hại xảy ra gây ảnh hưởng đến cây trồng, một số diện tích đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng và lực lượng lao động giảm do đi làm tại các KCN.
Để góp phần đảm bảo các chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp, phòng Kinh tế TP Sông Công đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, phường thực hiện giải pháp khắc phục và phát triển sản xuất.
Nhờ đó, tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 21.570 tấn, bằng 100% kế hoạch tỉnh giao và 100% kế hoạch của thành phố giao, bằng 91,75% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, phòng Kinh tế TP Sông Công đã phối hợp với UBND các xã, phường triển khai hỗ trợ đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm với diện tích 8ha trên cây chè và và 10 ha trên cây ăn quả.
Đồng thời, phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản thực hiện đăng ký chứng nhận lại theo tiêu chuẩn VietGAP trên 17,92ha diện tích cây chè.
Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp thành phố và UBND các xã, phường thực hiện hỗ trợ giá, giống lúa chất lượng đối với vùng sản xuất tập trung đạt 85,72 ha tại các đơn vị: phường Cải Đan; Lương Sơn; xã Tân Quang; xã Bá Xuyên và hỗ trợ mô hình sản xuất lúa cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác tại các xã, phường: Lương Sơn, Châu Sơn, Thắng Lợi, Tân Quang, Bá Xuyên và xã Bình Sơn với diện tích là 84,7ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định. Các trang trại quy mô công nghiệp được duy trì và phát triển do chăn nuôi liên kết và giá thị trường đảm bảo có lãi, người chăn nuôi tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Nhiều cơ sở chăn nuôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô đàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến do có thị trường tiêu thụ ổn định.
Từ đầu năm đến nay, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Tuy nhiên, do người dân thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học cho đàn vật nuôi nên trong 9 tháng đầu năm không có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thành phố đã chỉ đạo phòng Kinh tế và các cơ quan chuyên môn triển khai phương án phòng chống và kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo đúng kế hoạch.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từ đầu năm đến nay được thực hiện hiệu quả.
Tính đến tháng 9/ 2022 trên địa bàn TP Sông Công đã trồng được 60ha rừng trồng tập trung (trồng rừng sau khai thác), bằng 100% kế hoạch thành phố giao, bằng 85,71% so với cùng kỳ và 47.569 cây trồng phân tán.
Công tác thuỷ lợi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, đảm bảo phục vụ đủ nước sản xuất, nhờ đó kết quả gieo trồng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đồng thời, công tác phòng chống thiên tai lụt bão có sự chủ động kịp thời với những kế hoạch cụ thể.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND TP Sông Công thành lập Hội đồng thẩm định xóm nông thôn mới kiểu mẫu và thành lập đoàn kiểm tra thực hiện tiến độ xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao.
Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tới các chủ thể, hướng dẫn các chủ thể thực hiện chuẩn bị các hồ sơ minh chứng phục vụ đánh giá sản phẩm OCOP năm 2022.
Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế TP Sông Công và các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong sản xuất để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất được giao năm 2022.