Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh về nguy cơ mất an toàn thông tin đang có chiều hướng gia tăng tại phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho hay, bảo đảm an toàn thông tin luôn là một trong các nhiệm vụ quan trọng, liên hệ mật thiết đến sự phát triển bền vững của đời sống xã hội, quốc gia, dân tộc. Thế nhưng, nguy cơ mất an toàn thông tin lại đang có chiều hướng gia tăng, trở thành mối đe dọa trực tiếp tới sự ổn định, phát triển của các quốc gia, chế độ.
Báo cáo 397 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi.
Làm rõ hơn thực trạng tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao, đại biểu Trà Vinh đề cập, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong công cuộc chuyển đổi số với hơn 50% dân số sở hữu 130 triệu thuê bao di động, dân số dưới 35 tuổi chiếm hơn 50% thuê bao Internet, khoảng 67%.
Thời gian sử dụng điện thoại thông minh trung bình của người Việt Nam là 2h/1 ngày. Tăng trưởng thương mại điện tử tốc độ 30%/1 năm.
Đáng chú ý dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp tới mọi mặt của đời sống xã hội, tới mọi quốc gia nhưng đồng thời cũng là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy ngành kỹ thuật, tạo ra các đột phá nổi bật trong thời gian qua.
Các ứng dụng dịch vụ khai thác thế mạnh công nghệ thông tin đang là chìa khóa mở ra các giải pháp mới mẻ, trong đó phải kể đến lộ trình số hóa, chuyển đổi số, tiến hành xây dựng mô hình Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Mô hình số sẽ tạo ra sự thay đổi trong hệ thống điều hành, quản lý, hướng đến một mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước với nhân dân, Chính phủ với doanh nghiệp, tạo ra sự đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành, đoàn thể, góp phần đổi mới kinh tế, cải cách hành chính.
Cụ thể, thông qua các phần mềm quản lý mà các cơ quan nhà nước đã đưa 46,4% dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 đăng tải lên Cổng thông tin dịch vụ công của các địa phương với chi phí thấp, dữ liệu không còn sử dụng văn bản giấy. Bên cạnh đó, cải thiện khả năng hợp tác từ xa thông qua các ứng dụng di động.
Tuy nhiên, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên không gian mạng, nền tảng số, nguy cơ về mất an toàn thông tin lại đang có chiều hướng gia tăng, trở thành mối đe dọa trực tiếp tới sự ổn định, phát triển của không ít quốc gia, chế độ.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong quý 1/2021 đã có tổng số 1.271 cuộc tấn công mạng, gây ra sự cố nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Với các phương thức như: Tấn công cài mã độc, tấn công lừa đảo, tấn công thay đổi giao diện.
Tình trạng rò rỉ dữ liệu người dùng hiện nay vẫn chưa được kiểm soát, nhiều trang mạng trong nước và quốc tế vẫn liên tục rao bán dữ liệu chứa thông tin về căn cước công dân số, điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các sản phẩm bảo mật, diệt virus, quản trị văn phòng vẫn dừng ở các con số khiêm tốn.
Ngoài ra, các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc phá hoại hệ thống máy tính bằng cách phát tán các mã độc, ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân, lấy cắp các thông tin tình báo, bí mật quốc gia, mua, bán trái phép vũ khí, ma túy.
Đáng lo ngại hơn nữa là sự tràn lan của các tin giả, đối tượng tin tặc không thể tấn công vào hệ thống dữ liệu phần mềm, nhưng lại tung tin giả có sức phá hoại, gây thiệt hại không hề kém so với các loại virus, sâu máy tính, phần mềm gián điệp cùng các loại tội phạm trên không gian mạng, nền tảng số khác.
Một vấn đề nan giải khác được đại biểu nêu ra là các tổ chức tội phạm về ma túy, cờ bạc, khiêu dâm, mua, bán người đang coi không gian mạng là môi trường kinh doanh kiếm lợi và dễ dàng che đậy hành vi phạm tội.
Đề cập về nguyên nhân, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, do khuôn khổ pháp lý của chúng ta chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, trở thành điểm nghẽn đầu tiên trong không gian số, cụ thể là những vướng mắc trong Luật Giao dịch điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử trong giao dịch.
Hiện nay, khung luật Việt Nam liên quan đến an ninh thông tin chủ yếu nằm trong các bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng và một số văn bản khác.
Mặt khác, chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, luật chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay biện pháp cần phải tiến hành để bảo vệ thông tin cũng như các giải pháp ứng cứu, khắc phục hay ngăn chặn xâm nhập.
Chính vì thế, thông tin cá nhân có thể thu thập là bất kỳ thông tin nào từ tên tuổi, địa chỉ cho tới khuynh hướng tình dục, quan điểm chính trị, thói quen tiêu dùng, điều đặc biệt ảnh hưởng tới quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
Hơn nữa, luật cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đền bù khi xảy ra hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân.
Bên cạnh đó, ý thức trong việc truy cập Internet, sử dụng dịch vụ nền tảng số của người Việt Nam còn tương đối thấp và còn rất chủ quan.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 80 trên thế giới về ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có ý thức trong việc bảo đảm an toàn thông tin chỉ khoảng 11%, trong khi đó, tại các nước phát triển, tỷ lệ này chiếm tới 60%.
"Sự tồn tại dày đặc của những lỗ hổng bảo mật trong hệ thống website như hiện nay có thể khiến quá trình xây dựng, hoàn thiện các mô hình quản lý như Chính phủ điện tử, Chính phủ số và tương lai là Chính phủ thông minh sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Bởi bất kỳ mắt xích yếu nào tồn tại trong các mô hình như vậy đều có thể dẫn đến thiệt hại về vật chất và nghiêm trọng hơn là đe dọa an ninh quốc gia, nhất là khi công nghệ thông tin như Internet vạn vật hay dữ liệu lớn đều hướng tới một hệ thống dữ liệu mở, dễ dàng truy cập", đại biểu Trà Vinh nhấn mạnh.
Mặt khác, theo đại biểu do hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn bị kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin buộc các lĩnh vực phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong khi đó, việc đầu tư cho hạ tầng, cho bảo mật thông tin khi chuyển đổi số có chi phí rất lớn, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp có thể áp dụng.
Từ thực tiễn kể trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan cần quan tâm một số nội dung.
Một là, tiếp tục ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh, trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có quy định chi tiết một số điều về Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ.
Hai là, có giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên, người tiêu dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên trách.
Đồng thời nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nhất là nguồn thông tin từ nước ngoài, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ, miễn dịch trước những thông tin độc hại đối với sinh viên, học sinh, về nguy cơ yếu tố đe dọa an toàn thông tin.
Ba là, cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng, mỗi vùng mạng thiết lập và bảo vệ các kết nối VPN, thiết lập hệ thống phòng, chống xâm nhập cho các vùng thông tin xác thực mạnh và chữ ký số,…