Bộ Trưởng Tô Lâm nói gì về xử lý lộ, lọt thông tin, tín dụng đen trên không gian mạng?

Khải Phạm Thứ năm, ngày 11/08/2022 07:03 AM (GMT+7)
Trong phiên trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an đã đề cập đến nhiều nội dung về xử lý lộ, lọt thông tin, tín dụng đen trên không gian mạng.
Bình luận 0

Ngày 10/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tín dụng đen trên không gian mạng.

Trong đó, nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử lý tín dụng đen cũng như ngăn chặn tình trạng mua bán, làm giả giấy tờ, chứng chỉ trên môi trường internet cần tập trung.

Vụ lộ 30 triệu dữ liệu, thông tin từ đâu?

Trong phiên chất vấn, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) hỏi về việc bảo vệ thông tin cá nhân được Hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ, nhưng hiện nay việc rao bán, sử dụng dữ liệu cá nhân vi phạm phổ biến. Đơn cử như những thông tin quảng bá sản phẩm hiện nay đều lấy thông tin dữ liệu cá nhân trái phép, vi phạm rất lớn. Giải pháp xử lý của Bộ Công an?

Bộ Trưởng Tô Lâm nói gì về xử lý lộ, lọt thông tin, tín dụng đen trên không gian mạng thế nào? - Ảnh 1.

Bộ Trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh QH.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay thực trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân trên thế giới và Việt Nam đang ở mức đáng báo động. Đặc biệt, khi người dân tham gia trên môi trường mạng, việc lọt, lộ dữ liệu cá nhân là điều khó tránh khỏi.

Liên quan đến giải pháp xử lý, Bộ trưởng cho biết hiện nay Bộ Công an đang xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, việc tuyên truyền để người dân tự bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn là việc làm quan trọng.

Theo lộ trình, dự kiến năm 2024 nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đồng thời, Bộ Công an đang tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ, lọt, rao bán dữ liệu cá nhân theo pháp luật. 

Đặc biệt, Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ rao bán 30 triệu dữ liệu được lấy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các ngành khác như y tế cũng có nguy cơ bị lộ, lọt nên sẽ tập trung điều tra, xử lý.

Giấy tờ, chứng chỉ giả rao bán công khai trên internet

Trả lời câu hỏi liên quan, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay các đối tượng lập ra nhiều trang web mua bán chứng chỉ, giấy tờ giả công khai trên mạng. Các loại chứng chỉ, giấy tờ giả này được bán với giá từ 2-6 triệu đồng. Việc mua bán, làm giải giấy tờ, chứng chỉ phục vụ cho việc bổ nhiệm cán bộ.

Các cơ quan Công an đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ hàng nghìn con dấu, phôi bằng cấp, công cụ máy móc. Trong quá trình điều tra, đấu tranh với các đối tượng, để làm giả các loại giấy tờ. Theo đó, các đối tượng có đẩy đủ máy móc, phương tiện kỹ thuật để tự thực hiện hầu hết các công đoạn từ làm giả phôi, con dấu, tự đóng dấu, ký và có đến 1.400 con dấu các loại phục vụ cho việc này.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường tuyên truyền các cơ quan chức năng về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, tham mưu, hỗ trợ rà soát, phát hiện các trường hợp sử dụng văn bằng, giấy tờ giả để xử lý nghiêm; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý các đường dây sản xuất giấy tờ giả.

Nhu cầu vay tín dụng đen trong dân vẫn còn nhiều

Trong phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng vừa qua tình hình tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn biến phức tạp. Người cho vay buộc người vay phải sang nhượng nhà đất như để thế chấp, khi người vay không có khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay sang tên tài sản này. Giải pháp của Bộ Công an để ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội. Trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý, giải quyết, trấn áp mạnh và kiềm chế, đẩy lùi tội phạm này, không còn hiện tượng phức tạp, công khai, lộng hành như trước. Mặc dù vậy, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua mạng.

Trong thời gian qua, Bộ Công an đã triệt phá các băng nhóm cho vay qua app, hoạt động với quy mô lớn ở nhiều tỉnh, thành. Thậm chí, những đường dây cho này do người nước ngoài tham gia điều hành và có hàng trăm nghìn khách hàng đã vay với số tiền hàng ngàn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen là do nhu cầu vay tiền trong nhân dân vẫn còn rất lớn và việc xử lý tội phạm liên quan tín dụng đen có nhiều khó khăn do nhiều đối tượng có thủ đoạn, lách luật nên rất khó xác định ranh giới giữa dân sự với hoạt động tội phạm hình sự trong hoạt động cho vay. Nếu không thận trọng có thể hình sự hóa hoạt động dân sự, nhưng nếu không làm tốt, kỹ sẽ bỏ lọt tội phạm.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục duy trì tấn công tội phạm tín dụng đen, cho vay qua app. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về hoạt động tín dụng đen. Phối hợp với ngân hàng để có thể giúp người dân tiếp cận vốn vay tốt hơn, không phải vay tín dụng đen…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem