Dân Việt

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Sản lượng tôm nước lợ tăng 42% sau dịch Covid-19

Phúc Minh 08/11/2022 14:03 GMT+7
Sản lượng tôm nước lợ - 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, tăng mạnh trong năm 2022. Sản lượng tôm thâm canh và bán thâm canh ước đạt 5.640 tấn, tăng 42% so cùng kỳ.

Thông tin mới nhất từ Sở NNPTNT TP.HCM về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2022 cho biết, ước tính diện tích nuôi tôm (thâm canh và bán thâm canh) trên địa bàn TP.HCM năm nay đạt 1.570,8 ha (tăng 30,18% so cùng kỳ).

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Sản lượng tôm nước lợ tăng 42% sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tại TP.HCM, diện tích nuôi tôm tập trung tại 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Ảnh: P.V

Sản lượng tôm nước lợ thâm canh và bán thâm canh cũng tăng đáng kể, đạt 5.640 tấn (tăng 42% so cùng kỳ); quảng canh, quảng canh cải tiến 3.325,53 ha, sản lượng đạt 1.207,14 tấn. 

Riêng sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 5.609,82 tấn (tăng 41,69% so cùng kỳ); trong đó, nuôi thâm canh 3.644,14 tấn (tăng 52,66% so cùng kỳ) và bán thâm canh 1.965,68 tấn (tăng 25,03% so cùng kỳ).

Năng suất nuôi thâm canh trung bình 8,9 tấn/ha/vụ (tăng 11,36% so cùng kỳ). Năng suất nuôi bán thâm canh trung bình đạt 2,67 tấn/ha/vụ (tăng 12,68% so cùng kỳ).

Để hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển diện tích nuôi tôm nước lợ, Thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay. Theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/122017 của Hội đồng nhân dân Thành phố, chủ đầu tư khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để đầu tư nuôi tôm nước lợ sẽ được Ngân sách Thành phố hỗ trợ 100% lãi suất: Đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ nuôi tôm nước lợ. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: không vượt quá 05 năm trên một phương án; Ngân sách Thành phố hỗ trợ 60-80% lãi suất: để đầu tư mua giống, vật tư, nhiên liệu, thức ăn chăn nuôi, trả công cho người lao động phục vụ nuôi tôm nước lợ. Thời gian hỗ trợ lãi vay là 12 tháng.

Thẩm quyền và thời gian phê duyệt phương án đầu tư: UBND TPHCM quyết định hỗ trợ lãi vay đối với phương án vay vốn từ 10 tỷ đồng trở lên; UBND quận - huyện quyết định hỗ trợ lãi vay đối với phương án vay vốn dưới 10 tỷ đồng.

Tại TP.HCM, diện tích nuôi tôm tập trung tại 2 huyện Cần Giờ và Nhà Bè. Giá trị tôm nước lợ chiếm tỷ trọng gần 50% trong lĩnh vực thủy sản và hơn 10% so với ngành. 

Nhiều HTX, mô hình đã ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm, giá trị mang lại cao hơn nhiều so với kỹ thuật nuôi trồng truyền thống. 

Cụ thể, tổng số diện tích nuôi tôm nước lợ có ứng dụng công nghệ cao chỉ chiếm 15% tổng diện tích nuôi tôm nhưng giá trị đạt 773 tỷ đồng, chiếm 37% so với tổng giá trị sản xuất nuôi tôm nước lợ.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại TP.HCM: Sản lượng tôm nước lợ tăng 42% sau dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Tôm nước lợ là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đóng góp quan trọng vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Ảnh: Trần Đáng


Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá năm 2022, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố. 

Tôm nước lợ là 1 trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

Tôm nước lợ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của TP.HCM và có xu hướng phát triển ổn định. Tôm nước lợ cũng phù hợp với điều kiện sinh thái, truyền thống và kinh nghiệm sản xuất trên địa bàn, có khả năng cạnh tranh phát triển.

Tôm nước lợ là nhóm sản phẩm nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học làm tăng năng suất, chất lượng và được các chủ thể sản xuất thời gian qua ứng dụng rộng rãi. Đây là sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường, cho lợi nhuận và giá trị kinh tế cao.